BỘ CHÍNH TRỊ ĐÃ THÔNG QUA ĐỀ ÁN HỌC PHÍ MỚI

Bộ Chính trị đã thông qua đề án học phí mới

Mức học phí phổ thông mới sẽ không vượt quá 6% thu nhập gia đình. Với những gia đình quá nghèo, chính phủ sẽ trợ cấp để con em đi học. Đó là một nội dung trong đề án cơ chế tài chính mới cho giáo dục đã được Bộ Chính trị thông qua và sẽ trình Quốc hội phê duyệt trong kỳ họp tới.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã chia sẻ như vậy tại Hội nghị Tài chính sáng tạo cho giáo dục: Ứng dụng cho châu Á diễn ra tại Hà Nội ngày 1/4.

Ông Nhân cho biết, theo khảo sát tại các nước châu Á, mỗi gia đình chi trung bình 6% cho các dịch vụ xã hội, vì thế mức học phí mới không thể vượt quá con số này. Gia đình nào có khả năng thì tự chi trả, nếu không đủ khả năng thì chính phủ hỗ trợ.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh rằng “6% chỉ là khung, tùy địa phương có thể điều chỉnh tùy theo điều kiện, vùng miền”.

Theo thống kê của ngành giáo dục thì người dân Việt Nam hiện chỉ đóng góp khoảng 25% chi phí giáo dục, phần còn lại do nhà nước chi trả.

Ngoài bậc tiểu học đang được miễn phí, bậc THCS và THPT vẫn được trợ cấp 50% từ ngân sách nhà nước. Với những gia đình khó khăn, HS được hỗ trợ tới 90% ở bậc THCS.

GS. Ka Ho Mok đến từ ĐH Hongkong lưu ý Việt Nam cũng như các nước châu Á khác rằng “bài học lịch sử” từ những cuộc khủng hoảng kinh tế trước kia cho thấy số trẻ em bỏ học sẽ tăng cao bởi vì khi không đủ tiền mua thức ăn hay dành cho các nhu cầu tối thiểu khác, điều đầu tiên mỗi gia đình nghĩ tới sẽ là “hy sinh” giáo dục. Trẻ em sẽ không được đến trường, thậm chí sẽ phải đi làm bất hợp pháp để phụ giúp gia đình.

“Đó là kinh nghiệm của các khủng hoảng trước và chắc chắn sẽ lặp lại ở lần này.” – GS Ka Ho Mok khẳng định.

Từ kinh nghiệm “vượt bão” của các quốc gia trong những lần khủng hoảng trước, GS Ka cho rằng phải có nhiều cách để hỗ trợ các gia đình, đặc biệt là gia đình nghèo và cận nghèo, kể cả bậc trung lưu để duy trì học tập. Một trong những cách đó là trợ cấp tiền mặt trực tiếp để chi trả các khoản phí và thực hiện chương trình cho vay đối với HSSV.

GS. Wang Rong, Viện Nghiên cứu Tài chính Trung Quốc, ĐH Bắc Kinh cũng bày tỏ lo ngại trong bối cảnh khủng hoảng mục tiêu của chính quyền các nước đều là tăng trưởng GDP nên có thể hy sinh dịch vụ công như giáo dục, y tế.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: “Trong hoàn cảnh kinh tế hiện nay, Chính phủ Việt Nam sẽ không cắt giảm bất cứ khoản chi tiêu nào vào giáo dục và y tế vì đó là đầu tư cho con người và nguồn lực.” 

Lan Hương – VIETNAMNET

Những câu hỏi đặt ra:

1. Đã thông qua rồi thì có nghĩa là những băn khoăn trước kia đã được trả lời thỏa đáng. Vậy những câu trả lời đó sao chưa thấy cho xã hội biết?

2. Ở châu Á mỗi gia đình chi trung bình 6% cho các dịch vụ xã hội điều đó không thể dùng để liên hệ đến quyết định (đã thông qua) là mức học phí phổ thông mới sẽ không vượt quá 6% thu nhập gia đình. Vì đơn giản là các chi phí xã hội và chi phí cho giáo dục không là một.

3. Tiêu chí nào đánh giá mức thu nhập của gia đình. Tôi chỉ thấy thu nhập cá nhân thôi (GDP đầu người) chứ chưa nghe thu nhập gia đình bao giờ (phải chăng cần khái niệm mới là GDP gia đình?).

4. Vào bộ trưởng lại nói 6% chỉ là khung. Vậy bộ trưởng đã ngầm quy định mức chuẩn là 6%, chắc chắn các địa phương, các cơ sở chỉ nhìn từ đó mà nhìn lên thôi chứ khó mà nhìn xuống được. Giáo dục là chiến lược quốc gia, không thể để tình trạng cát cứ vùng miền được.

5. Người ta cứ nói đến hỗ trợ này nọ, vài trăm nghìn tiền tết cho người nghèo còn cấu xé nhau, liệu rằng nhưng chỉ tiêu trên trời đó có được thực hiện công tâm trong các chính sách giáo dục hay không? Và xin nói thêm rằng: Cho vay không nên xếp vào dạng hỗ trợ, bởi vì vay là phải trả.

6. Kinh tế Việt Nam trong giai đoạn này đi xuống thấy rõ và càng thấy rõ hơn khoảng cách giàu nghèo. Đồng ý chính phủ đang cố gắng không cắt giảm chi tiêu cho giáo dục nhưng đó không đủ để đảm bảo rằng các chi tiêu cho giáo dục là đúng. Cần có một cuộc kiểm toán trung thực ngay lúc này.

7. Trong bài báo này chỉ thấy Bộ trưởng nhắc đến học phí cho khối PT còn các bậc học khác thì sao?

8. Và điều cuối cùng xin được hỏi bạn đọc: NẾU BẠN BIẾT Ở ĐÂU MÀ HỌC SINH TIỂU HỌC ĐẾN TRƯỜNG MÀ KHÔNG PHẢI ĐÓNG GÓP MỘT ĐỒNG NÀO THÌ HÃY NÓI VỚI TÔI. Nếu được Bộ trưởng hãy thực hiện chuẩn “0” này trước đi rồi hãy tiến hành chuẩn 6% kia.

Suy nghĩ về chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam

Nội dung dự thảo chiến lược giáo dục từ 2009 đến năm 2020 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra lấy ý kiến của các nhà nghiên cứu giáo dục, các giáo sư, tiến sĩ, các nhà quản lý của ngành giáo dục. Qua phản ánh của các phương tiện truyền thông, phần lớn ý kiến đóng góp đều không đánh giá cao bản dự thảo.

Theo nhận định của GS.TS Lê Ngọc Trà, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục của Trường đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh thì “Mục tiêu, giải pháp nêu ra trong bản dự thảo chiến lược đều không rõ ràng và là cách làm của mấy mươi năm trước”.

Hầu như mọi người đều không hài lòng về thực trạng của nền giáo dục của nước ta, từ giáo dục mầm non, tiểu học cho đến bậc cao đẳng đại học, từ đào tạo dạy nghề đến giáo dục phổ thông, cả giáo dục sau đại học.

Trong mấy chục năm qua, đã có bao lần chúng ta cải cách giáo dục, nhưng hình như kết quả không có gì tiến triển. Hàng năm, cứ đến mùa thi cử, mùa ra trường của sinh viên hay mùa khai giảng lại có hàng loạt bài báo ta thán, nêu nào đề thi lại sai, nào sinh viên tốt nghiệp ra trường khó có việc làm vì trình độ và nội dung học không phù hợp hay không theo kịp yêu cầu của xã hội.

Trong khi đó, phụ huynh học sinh lại kêu chương trình học quá nặng nề, việc học thêm dạy thêm bổ sung cho thời gian học tại lớp tràn lan ở mọi cấp lớp, làm ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của học sinh ở lứa tuổi trưởng thành.

Theo nhận xét của bản dự thảo phát triển giáo dục, sự yếu kém trên do các nguyên nhân chính sau:

a. Quan điểm giáo dục là quốc sách hàng đầu chưa thực sự được quán triệt đúng mức ở các cấp quản lý và chỉ đạo giáo dục.

b. Tư duy giáo dục chậm đổi mới, chưa thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình hội nhập quốc tế.

c. Công tác quản lý giáo dục còn nhiều bất cập.

Với ba nguyên nhân nêu trên, có thể nhận thấy rằng: nguyên nhân thứ nhất là do yếu tố con người (trách nhiệm, khả năng nhận thức kém). Nguyên nhân thứ hai và thứ ba là do xác định mục tiêu giáo dục chưa phù hợp với yêu cầu của thời đại (tư duy giáo dục thiếu đổi mới, tư tưởng bảo thủ lạc hậu so với thời cuộc).

Đương nhiên, nguyên nhân đưa đến sự yếu kém của nền giáo dục còn nhiều, trong đó có những nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ cuộc chiến tranh tàn khốc kéo dài hàng chục năm trên đất nước ta, đã buộc các nhà lãnh đạo vào thời kỳ đó phải tìm mọi công cụ để chống trả, hướng dẫn nhân dân tập trung sức mạnh, nhìn theo một hướng, tư duy theo một chiều để tạo sức mạnh tập trung nhằm đạt đến mục tiêu thắng lợi cuối cùng.

Hay một nguyên nhân sâu xa khác, nhưng rất gần, rất thiết thân là có những người cảm thấy bị thiệt thòi, bị mất mát bởi nhiều lý do khác nhau trong quá khứ, hay bị hoàn cảnh nghèo khổ dai dẳng trước đây, nay lại không yên tâm trong cuộc sống hiện tại, do đó buộc người ta tìm mọi cách để thủ thân, tranh thủ mọi cơ hội, mọi công cụ để vươn lên trong xã hội, cho riêng mình, cho con cháu đời sau. Từ đó công cụ nào, phương tiện nào để đạt được mục đích đều được người ta không ngần ngại nắm lấy để vào đời, vào cuộc.

Nếu thang bậc xã hội dựa trên lý lịch để thăng tiến thì người ta phải cố gắng làm việc sao cho con cháu có một bộ lý lịch tốt. Nếu xã hội lấy bằng cấp làm thước đo thì phải cho con cháu có bằng cấp bằng mọi cách, kể cả mua. Thậm chí con đường trực tiếp nhất là tích lũy của cải cũng có thể mạo hiểm đánh cược cuộc đời, có hy sinh đời bố củng cố đời con thì cũng không từ nan.

Đây là một thực tại xã hội, là nguyên nhân sâu xa đã làm cho xã hội chúng ta phát triển một cách méo mó, dở cười dở khóc. Cười là vì đời sống kinh tế của mọi người đã không ngừng được cải thiện, nhưng lại phải khóc bởi đạo đức xã hội càng ngày càng suy đồi. Những con bệnh như tham nhũng, mua quan bán chức, bằng thật học giả, học sinh “ngồi nhầm” lớp, thầy dạy “nhầm” kiến thức, các cơ quan công quyền, doanh nghiệp trên dưới đều phải thỏa hiệp, thậm chí luồn cúi để được việc cho riêng mình… Các hiện tượng trên đều có nguồn gốc từ nguyên nhân sâu xa vừa nói.

Vai trò thiêng liêng của giáo dục là đào tạo nên con người, nhưng trước thực trạng của thời cuộc, chúng ta cần nhìn ra các tiền đề ràng buộc khách quan của giáo dục như sau:

– Con người mới được sinh ra và lớn lên trong lòng xã hội nên bị ảnh hưởng bởi bản chất của xã hội đó một cách tự nhiên.

– Con người mới phải được nuôi dưỡng, giáo dục sao cho ngày càng hoàn thiện hơn về mọi mặt để làm cho xã hội ngày càng tiến bộ văn minh hơn. Đó là trách nhiệm của giáo dục.

– Kiến thức con người của hệ thống giáo dục đương đại phần lớn được hình thành từ xã hội trước đó.

Từ những tiền đề ràng buộc có tính khách quan như trên, một số nhận thức mà ngành giáo dục phải có là:

1- Những người làm công tác giáo dục phải là người có tư duy sáng tạo, luôn tìm ra cái mới tích cực hơn. Nếu không có điều kiện này thì họ chỉ dạy những điều mà xã hội cũ đã dạy cho họ, như thế sẽ không phù hợp cho ngành giáo dục.

2- Để có tư duy sáng tạo thì xã hội, nhà nước phải tạo điều kiện để các nhà giáo cần được tự do tư duy và không ngừng cập nhật thông tin, cập nhật kiến thức, tiếp cận với cái mới.

3- Bản thân người làm công tác giáo dục phải là một chuẩn mực trong cuộc sống, cả về vật chất lẫn tinh thần. Họ phải là tấm gương cho lớp người mới tiếp cận noi theo để rèn luyện tinh thần đạo đức con người của xã hội mới tốt đẹp hơn (cơ chế đảm bảo cho cuộc sống chuẩn mực).

4- Nội dung giáo dục không những nhắm vào lớp người vừa sinh ra và trong độ tuổi tiếp nhận giáo dục mà còn có chức năng cải tạo con người đương thời. Do đó luật pháp xã hội không được khác với nội dung tinh thần giáo dục, không dung dưỡng những tệ nạn xã hội.

5- Giáo dục phải đồng thời làm tốt hai nhiệm vụ là:

– Rèn luyện tư duy, hình thành chuẩn mực giá trị nhân cách đạo đức xã hội, cũng như ý nghĩa, lẽ sống của con người.

– Đào tạo kiến thức, kỹ năng tổ chức cuộc sống cho bản thân, cho gia đình, cho cộng đồng xã hội.

Từ những nhận định nêu trên, có thể xác định được mục tiêu nội dung cũng như vai trò chức năng cơ bản xuyên suốt của ngành giáo dục. Qua đó, theo điều kiện khả năng thực sự của đất nước về nguồn nhân lực, tài chính, dựa vào những yêu cầu trước mắt hay từng giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội mà đặt ra kế hoạch thực hiện mục tiêu giáo dục tương ứng, sau đó mới phác họa được nội dung chiến lược phát triển giáo dục của nước ta.

Một chiến lược phát triển giáo dục phải có mục tiêu to lớn toàn diện nhằm giải quyết những vấn đề yếu kém cơ bản có nguyên nhân sâu xa như đã nêu trên. Đồng thời cần có những kế hoạch thực hiện nhằm giải quyết từng mục tiêu cụ thể theo yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Một chiến lược có thể thực hiện trong 15 năm, 25 năm hay lâu hơn và thực hiện bằng nhiều kế hoạch cụ thể được chia theo giai đoạn thời gian và được chỉ đạo theo nội dung phương án, trong đó có kế hoạch năm năm tới, hay từ nay đến năm 2020 với những chỉ tiêu cụ thể.

Bên cạnh đó có những phương án đào tạo lực lượng lao động cho nền kinh tế, đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý cho mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực, cho đất nước trong tương lai, nhằm xây dựng nên hình ảnh con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam, một đất nước Việt Nam theo đúng “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”.

Trở lại bản dự thảo chiến lược phát triển giáo dục, nhóm tác giả có nêu những nguyên nhân tạo nên sự yếu kém của nền giáo dục nước ta mấy chục năm qua, nhưng tiếc thay khi đưa ra những giải pháp thì không thấy đề ra hướng khắc phục. Phải chăng những người đang xây dựng bản dự thảo chiến lược phát triển giáo dục chưa vượt qua được những nguyên nhân yếu kém vừa được đề cập đến, giống như người bị lún vào vũng sình lầy thì không thể tự kéo đầu mình lên để thoát thân được.

Điều này giải thích tại sao chúng ta đã làm nhiều cuộc cải cách giáo dục trong mấy chục năm qua nhưng vẫn chưa thoát khỏi tình trạng yếu kém bất cập so với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Nếu đúng như vậy, giải pháp đầu tiên là phải nhờ người khác kéo ta ra khỏi vũng sình lầy, sau đó mới nói đến việc xây dựng chiến lược phát triển giáo dục quốc gia.

Phan Chánh Dưỡng (Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần)