Nghĩ về chúng ta: Hiện đại và dân tộc tính

Phát triển kinh tế và uy tín quốc tế trong những năm qua của nước ta, cộng với tiện nghi trong đời sống do công nghệ tiên tiến đem lại, đã gây ra những biến chuyển chóng mặt trong sinh hoạt và nhận thức của hầu hết mọi người Việt Nam.  Mặt khác, chúng ta cũng bị bao phủ bởi bao nhiêu chuyện hàng ngày: từ những vụ tham nhũng khủng khiếp, những vấn đề bức xúc trong giáo dục, y tế, giao thông, những tệ nạn xã hội, cho đến những sự cố trọng đại về chủ quyền, về lãnh thổ…  làm tâm thức chúng ta khó thể không chao đảo.

Phải nghĩ sao? Bắt đầu từ đâu? Nhìn từ một góc cạnh căn bản thì dường như có sự căng thẳng giữa “cái bây giờ” – tạm gọi là tính hiện đại – và “cái của ta”, nói gọn là dân tộc tính.  Phải nghĩ về liên hệ giữa hai phạm trù này như thế nào? Có thể chăng một sự hòa hợp giữa hai phạm trù ấy?

I.  Hiện đại và thời thượng

Khi nói về hiện đại, có lẽ điều trước hết là phải tách nó ra khỏi những khẩu hiệu thời thượng.  Cần cưỡng lại phản xạ dùng những cụm từ “thế giới phẳng”, “toàn cầu hóa”, “hội nhập”…

Tất nhiên, những cụm từ này không là vô ích, nếu ta thực sự ý thức tính phức tạp của chúng và vâng, hành trang ý thức hệ của chúng nữa.  Trong mọi trường hợp, chúng chỉ nên là khởi điểm cho những suy nghĩ sâu sắc hơn, nhất là nhìn từ nước ta.  Nguy hiểm là, quá nhiều khi, chúng được dùng như những khẩu hiệu thế chỗ cho phân tích, một cách che lấp sự lười biếng trí thức.  Thực vậy, nên nhớ rằng những cụm từ này xuất phát từ phương Tây, và tuy những người đặt ra chúng (như nhà báo Thomas Friedman với ý niệm “thế giới phẳng”) là nhiều thiện chí, chúng không thoát khỏi một phạm trù căn bản: đó là những ý niệm nhìn qua lăng kính văn hóa (và quyền lợi kinh tế!) tây phương.  Chẳng hạn, thử nghĩ xem: “Hội nhập” là gì? Phần nào là tích cực, phần nào là một tiến trình không cưỡng được? Hội nhập, theo nhiều người, không những có nghĩa là mở cửa rộng rãi để buôn bán với nước ngoài, đón nhận đầu tư, nhưng còn là chấp nhận những “giá trị của thế giới”.  Nên nhớ rằng quốc tế là một cộng đồng với nhiều hệ thống giá trị.  Hội nhập là mở cửa với thế giới, nhưng đó là cái cửa hai chiều: vào và ra.  Hội nhập đúng nghĩa phải gồm một sự chọn lọc những giá trị tốt từ bên ngoài (không nhất thiết phải từ phương Tây), đồng thời là một cố gắng đầy tự tin để quảng bá giá trị của ta (những giá trị tiềm ẩn trong dân tộc tính) với thế giới. Thiếu cảnh giác, những mỹ từ đó sẽ ru ta vào một giấc hoang mơ…

Tương tự, nhiều người nghĩ đến “hiện đại” như một cuộc đua giữa các quốc gia, hoặc là thứ hạng của Việt Nam trên thế giới.  Tất nhiên, ai cũng mừng khi thấy chỉ số cạnh tranh của ta năm nay cao hơn năm ngoái, cũng buồn khi tham nhũng ngày càng bị quốc tế cho là nhiều.  Tuy nhiên, nghĩ cho cùng, điều quan trọng không phải là những con số thống kê, hay kết quả của vài cuộc thăm dò doanh nhân nước ngoài, nhưng là hiện trạng mà mỗi người trong chúng ta nhận thấy ràng ràng trong đời sống hàng ngày của bản thân.  Về tham nhũng chẳng hạn, mọi người dân Việt Nam đều biết nó là đến bực nào, đã lên hay xuống trong thời gian qua.  Ta không cần dư luận nước ngoài mới biết (dù rằng những cuộc thăm dò ấy có ích trong chừng mực chúng ảnh hưởng đến quyết định làm ăn của người nước ngoài ở nước ta).

Chúng ta nhìn quốc tế để biết khả năng một xã hội, nhất là những quốc gia có nhiều tương đồng với ta, để học hỏi, để biết cái gì mà một nước như ta có thể làm được. Chúng ta nên nhìn nước khác để nhận ra những hụt hẫng của mình, nhưng đó là những bài học vi mô, và ta phải nhìn chúng để tìm giải pháp cho các vấn đề cụ thể chứ không chỉ để buồn bã so bì (hay tự mãn!).  Khi có những tiến bộ vi mô như vậy thì chắc chắn chúng ta sẽ rất ngạc nhiên vì sự tiến bộ vĩ mô của mình. Tất nhiên giữa các quốc gia chẳng bao giờ là không có những cạnh tranh, thậm chí tranh chấp … song mục tiêu căn bản của chúng ta phải là tạo cho dân ta một đời sống ấm no, hạnh phúc… Ta không thể để mình bị “choáng mắt” “hoảng lọan” vì những con số tuy giật gân nhưng ít ý nghĩa, và nhất là khi chúng không giúp ta tìm giải pháp nào cho một vấn đề cụ thể.

II. Cái hiện đại của ta

Nên nhớ rằng, nếu không để ý, ta sẽ định nghĩa “hiện đại” theo cái nhìn của một nền văn hóa khác.  (Gần đây, triết gia Pháp Bernard-Henri Lévy đã phải nhắc lại điều này để phản bác một bài trên tuần báo Time của Mỹ cho rằng “văn hóa Pháp đã chết”!).  Không khéo, chúng ta sẽ lẫn lộn hiện đại hóa và tây phương hóa.

Thực vậy, hiện đại hóa mà thiếu dân tộc tính sẽ là tha hóa.  Hiện đại không có nghĩa là xóa bỏ tính cá biệt của nhân thân, hay rộng hơn là của dân tộc. Dù sẽ trở thành công dân của thế giới, chúng ta đến từ lịch sử, quê hương ta, cũng như người quốc gia khác đến từ lịch sử, quê hương họ. Sự phong phú của đời sống hiện tại không phải có được bằng cách đồng nhất hóa mọi người (một thế giới như thế sẽ nhạt nhẽo biết bao!), nhưng bằng sự mỗi người đóng góp cái cá biệt của mình vào cái chung của nhân loại, và nhìn nhận (thậm chí tôn vinh) cái cá biệt của người khác. Hiện đại hóa dân tộc tính (nếu có thể nói như vậy) là một hành trình gay go, cần nhiều suy nghĩ thấu đáo, khách quan.  Ta không sô vanh cuồng tín nhưng cũng không chấp nhận vô điều kiện những lề lối ngoại lai như tấm vé để “hội nhập”.

Có quả là chúng ta (như thế giới “hiện đại”) đang chạy theo vật chất quá đáng mà quên đi những giá trị nhân văn (không nhất thiết cá biệt của Việt Nam) – những giá trị thiết yếu cho “chất lượng đời sống”? Chúng ta có thói quen nói những điều đó như là nghĩa vụ, như trách nhiệm của chúng ta (đối với thế hệ trẻ, chẳng hạn), nhưng thật ra nó còn hơn thế nữa.  Nó là nghĩa vụ của chính chúng ta đối với chúng ta, của con người đối với con người.  Lịch sử, cần khẳng định, là một cấu tố của chính đời sống hôm nay, không phải là “cái khác”, mà là “cái này”, của cá nhân ta, hôm nay.

Hiện đại cũng không phải là một đặc tính của thế hệ, của tuổi trẻ.  Ấn tượng thiển cận này, nếu có, hẳn là xuất phát từ sự đánh đồng phong cách hiện đại với sự quen thuộc với văn hóa giải trí, với sự thông thạo sử dụng những máy móc, trò chơi điện tử.  Bất cứ xã hội hiện đại nào, bất cứ lúc nào cũng là sự chung sống của nhiều thế hệ “gối đầu” lên nhau,  Hiện đại, ở thế hệ đi sau, nằm ở cách họ đối xử với thế hệ đi trước (mà chính họ sẽ trở thành!), và cũng là ở thế hệ đi trước đối với thế hệ sau.  Tùy theo độ tuổi, tính hiện đại có thể khác nhau chút ít về bản chất, nhưng không nhất thiết ở cường độ, và chắc chắn là không xung khắc.  “Lớp già” cũng đóng một vai trò thiết yếu trong ký ức của dân tộc, họ là tích tụ của những kinh nghiệm sống, lịch sử hình thành của nước ta…  Tính hiện đại của một xã hội là gom nhập tính hiện đại của mọi thế hệ, mọi thành phần trong xã hội ấy.  Nói cụ thể hơn, một xã hội mà thế hệ này xem thế hệ kia là không quan trọng, thành phần này coi rẻ thành phần khác, là một xã hội … không hiện đại, trong cái nghĩa tốt đẹp của danh từ này.

Tính hiện đại của dân tộc cũng không dừng lại ở biên giới địa lý bởi vì nó bao gồm cả người Việt trong nước lẫn ở nước ngoài. Người Việt ở nước ngoài đóng góp vào sự nghiệp hiện đại hóa của quê hương,  không chỉ ở “chất xám”, hoặc “kiều hối”, nhưng còn trong vai trò viễn thám văn hóa.  Mặt khác, họ cũng đặt nhiều vấn đề (mà lắm lúc họ cũng không ý thức) về dân tộc tính, cần suy nghĩ.

III. Văn hóa và trí thức

Rõ ràng, xã hội hiện đại đặt ra nhiều vần đề bức xúc, cần suy nghĩ, và chính nhu cầu này làm nổi bật một sự hụt hẫng trầm trọng hiện nay của chúng ta, đó là sự nghèo nàn sinh hoạt văn hóa mà giới trí thức phải gánh chịu phần lớn trách nhiệm.  Đặt bên cạnh những sinh hoạt kinh tế sôi nổi, những phồn vinh về vật chất, những thắng lợi trên chính trường quốc tế, thì đời sống văn hóa của chúng ta hầu như thiếu tiến bộ tương xứng, thậm chí nghèo nàn, ít nhất cũng là quá tĩnh lặng.  Đó là một tĩnh lặng đáng lo, bởi vì, khi mà tiến trình “hiện đại hóa” đang vùn vụt như vũ bão, và khi mà đầu máy của tiến trình ấy là thương mại, thì trách nhiệm của người trí thức để chấn chỉnh, tạo một đối trọng cho văn hóa tiêu dùng bằng một nền văn hóa khác, “hướng thượng” hơn, là không gì cần thiết bằng.  Chính sự thiếu vắng một kháng thể mạnh mẽ cho thứ văn hóa tiêu dùng, hưởng thụ, là một trong những nguyên nhân của sự rệu rã xã hội hiện nay.

Văn hóa dân tộc không chỉ là di sản mà còn là những sinh họat đương thời.  Và tuy nó là thành quả chung của cộng đồng, những người được coi là “trí thức” có một trách nhiệm đặc biệt trong sinh hoạt này.  Trọng trách ấy người trí thức phải nhận lãnh, nhưng nó cũng đòi hỏi nhà nước mở rộng, và xã hội khuyến khích, “không gian” sáng tạo, phát biểu, tranh luận.  Những sinh hoạt ấy phải được xem như là cốt yếu để huy động nội lực cho phát triển, và thành quả của chúng chính là nhằm bảo tồn dân tộc tính, xương sống của thế đứng quốc gia trong bang giao quốc tế.

Trách nhiệm trí thức là đặc biệt quan trọng đối với tuổi trẻ.  Ở bất cứ xã hội nào thì tuổi trẻ bao giờ cũng bị cuốn hút vào luồng văn hóa đại chúng, thời thượng.  Nhưng đừng trách họ (như thói quen của mọi thế hệ già), và cũng đừng giảng luân lý.  Tuổi trẻ phải được hướng dẫn không qua những bài giảng luân lý khô khan (và chiếu lệ!) nhưng mà do sự truyền lại kinh nghiệm của người đi trước, cụ thể là những tấm gương trong tác phong, trong sinh hoạt trí thức, trong cảm quan nghệ thuật. Muốn thế, người trí thức ở thế hệ đi trước phải tự vấn, chính họ phải luôn luôn trau giồi, cập nhật hóa kiến thức, theo dõi biến chuyển thời sự, sinh hoạt tư tưởng.

IV.  Độc lập,  phồn vinh và bền vững

Hiện đại là một tiến trình, một cách sinh hoạt, hơn là một trạng thái.  Đó là một tư duy chấp nhận thay đổi, tôn trọng cái cá biệt của người khác, nhưng phóng đi từ ý thức rất rõ về mình, về cộng đồng và lịch sử của mình.  Tuy nhiên, cần nhớ rằng hiện đại không có nghĩa là những tranh chấp quốc tế không còn nữa (như những mỹ từ “thế giới phẳng”, “hội nhập”… thường làm ta quên).   Chủ nghĩa dân tộc vẫn còn là động cơ đằng sau thương mại, bang giao quốc tế.  Bất cứ nước nào cũng bảo vệ quyền lợi, sự tự do, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của mình.  Chúng ta hiếu hoà nhưng qua những năm hi sinh xương máu để giành độc lập, thống nhất đất nước, ta không bao giờ quên được điều ấy.

Hiện đại phải đi trong tinh thần dân tộc.  Dân tộc tính, cụ thể là sự đoàn kết quốc gia, không chỉ là một nội lực cốt yếu để bảo vệ độc lập và chủ quyền của đất nước (và không có độc lập và chủ quyền thì mọi thứ khác đều vô nghĩa) nhưng, thực tiển hơn, còn là một yếu tố để phát triển kinh tế, để giao lại cho những thế hệ tương lai một nước Việt Nam mà chúng ta không hổ thẹn.

Trần Hữu Dũng

18-12-2007

Rồng đá

Vũ Ngọc Tiến

Kim Hoà gấp cuốn sách “Vân đài loại ngữ” của Lê Quý Đôn, lặng lẽ nhìn Trần Thăng. Đã một tuần nay chị thấy chồng mình đi về như một cái bóng. Anh không nói năng, bỏ cả lệ đọc sách. Thỉnh thoảng anh uống rượu, mắt lờ đờ nhìn vào góc tối, luôn miệng thở dài. Có lúc anh cao hứng ngâm thơ Nguyễn Trãi: “Kim cổ vô cùng giang mạc mạc – Anh hùng hữu hận diệp tiêu tiêu”. Chị là nhà nghiên cứu lịch sử nên hiểu xuất xứ hai câu thơ ấy Nguyễn Trãi viết khi cáo quan về ở ẩn trên núi Côn Sơn. Vào một chiều cuối thu sắp sang tiết lập đông, ông nhìn thấy từng đàn mây trắng đùn từ phía biên ải xa mờ kéo đến, dòng sông Đá Bạc ầm ào vỗ sóng và rừng cây sau lưng xào xạc trút lá khô vàng rơi đầy mặt đất. Ông tức cảnh, sinh tình mà ngâm hai câu thơ bày tỏ nỗi lòng mình. Nhưng Thăng đâu có giống tình cảnh Nguyễn Trãi. Anh là giáo sư tiến sĩ toán học, sao anh không an phận với những công trình lý thuyết về toán tin học của mình. Chức viện trưởng lâu nay chỉ tổ làm anh suốt ngày bận bịu với những vụ linh tinh, biến anh thành thứ viên chức hành chính tầm thường, báu gì. Đã thế, cái Viện cỏn con của anh có một dúm người mệnh danh là “nhà” hay “lều” khoa học cả đấy, mà sao quanh năm suốt tháng vẫn gầm ghè, đấu đá tranh ăn, giành ghế. Họ ăn không nói có, tung lời đặt chuyện về nhau chẳng khác gì mấy chị hàng tôm, hàng cá ngoài chợ. Hình như đam mê quyền lực là thứ bệnh thâm căn, cố đế của cánh đàn ông. Sa đà vào đó, mặt người bỗng trở nên lem luốc, chẳng ra mặt người. Biết thế mà có ai chịu từ bỏ dễ dàng đâu!

Nhiều lần anh thanh minh với chị rằng không phải anh ham quyền chức, nhưng làm viện trưởng sẽ thuận lợi cho công trình nghiên cứu và có dịp giao tiếp học hỏi với thế giới bên ngoài. Chị biết đó chỉ là nguỵ biện. Làm vợ ai chẳng muốn hãnh diện về chồng. Anh làm sếp có xe đưa, xe đón, thỉnh thoảng lại xuất hiện trên ti vi, đài báo thì vợ con cũng nở mày mát mặt. Chồng đi Tây, đi Tàu, chị cũng có thêm đồ này, thứ nọ để khoe với chị em, bè bạn. Nhưng chị cũng là nhà trí thức. Chị khao khát anh có những công trình khoa học sáng giá để lại cho đời, lưu danh sử sách. Ngày ấy chị yêu anh vì anh đẹp trai, thông minh, lịch lãm và rất hồn nhiên yêu đời. Anh là nhà toán học trẻ tuổi, có công giúp các nhà vật lý bên quân đội tính toán ra vùng mù sóng nhiễu máy bay B52. Nhờ đó mà mấy vị tướng lĩnh quân đội đã bố trí các trận địa tên lửa, các trạm ra đa trong vùng mù nhiễu sóng ấy để phát hiện và bắn rơi máy bay địch, làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” ở Hà Nội.

Nếu anh cứ vẫn yên tâm theo đuổi các công trình toán học, biết đâu sẽ có nhiều cống hiến lớn khác trong thời bình. Chức viện trưởng và quyền lực như ma ám, làm anh u mê chỉ biết say sưa lao vào các vụ đấu đá, củng cố quyền lực. Rất nhiều năm rồi, chị chưa thấy anh có thêm công trình phát minh nào mới, mặc dù học hàm, học vị của anh đã lên tới tột đỉnh. Anh trở nên người thích xu nịnh, háo danh và mất cảnh giác. Đợt bầu viện trưởng vừa rồi anh bị hạ bệ êm ru cũng vì mất cảnh giác. Chắc anh nghĩ rằng đối thủ của mình mới ngày nào chỉ là một thằng cử nhân “gia công” dốt đặc cán mai, làm sao dám so bì uy tín với anh trong giới khoa học. Nhưng anh đã lầm, chị là phụ nữ nên nhạy cảm và đã sớm nhắc anh đề phòng. Mấy năm trước vợ hắn buôn bán phất lên nhờ mấy vụ sốt giá nhà đất, hắn có tiền chạy vạy để được làm phó tiến sĩ trong nước. Anh là người hướng dẫn phụ, nhưng nể lời ông bạn làm giáo sư ở trường Đại học đã gần như viết hộ luận văn tốt nghiệp cho hắn. Mỗi lần thấy hắn đến nhà khệ nệ ôm gói to bọc nhỏ, mắt la mày lét, miệng luôn vâng dạ, hai tay xoa vào nhau, lưng hơi cúi khòng, chị thấy khinh bỉ đến lợm giọng. Chị nhắc anh nhớ lại lời của Jo-han Gốt-liep Phích-tơ, nhà triết học cổ điển Đức: “Kẻ nào làm thuộc hạ mà lúc nào trước mặt anh cũng sẵn sàng quỳ mọp xuống đất một cách đê tiện thì sớm muộn gì nó cũng phản anh”. Thật lòng mà nói, khi nghe tin anh mất chức viện trưởng chị cũng hơi choáng váng, hụt hẫng. Nhưng chị không ngờ anh hốc hác, gày rộc, chán đời và mất thăng bằng đến như vậy. Chị nghiên cứu lịch sử, hiểu thấu mọi lẽ hưng phế của các triều vua. Chị là người ngoài cuộc nên có lẽ chị bình tĩnh, sáng suốt hơn anh chăng. Chị muốn an ủi, động viên, nhưng anh cứ ậm ừ rồi lảng tránh. Tính anh xưa nay không muốn làm phiền người khác. Nhưng chị là vợ, gắn bó suốt đời với anh, chia ngọt sẻ bùi cùng anh. Chị sẽ phải làm gì để lấy lại thăng bằng cho anh, để anh lại tiếp tục say sưa với công trình khoa học như ngày xưa anh say sưa tính toán ra vùng mù sóng nhiễu của B52?

Kim Hoà đứng dậy, nhẹ nhàng đi về phía chồng. Trần Thăng vẫn nằm dài trên ghế xích đu đặt gần ban công để anh ngắm trời, ngắm đất. Đêm cuối tháng tối thâm, không một vì sao, vẳng tiếng côn trùng eo óc, nỉ non. Chiếc đôn sứ bên cạnh với bao thuốc gần rỗng và chiếc gạt tàn đầy ặc các mẩu đầu lọc. Xưa nay anh vốn ít hút, cứ thế này thì đen sì hai lá phổi còn gì! Chị thầm nghĩ, lắc đầu chua xót nhìn anh, tròng mắt ươn ướt. Lồng ngực của chị như có gì chèn tức đến ngẹt thở. Chị âu yếm quàng tay lên cổ, ray ray cằm lên mái tóc bồng đốm bạc của anh.

– Em không đọc sách nữa à? – Anh hỏi.

– Không. Đêm nay em muốn mình đi ngủ sớm. Chiều em một tí, đi mình! -Chị lắc người nũng nịu như hồi trẻ. Tay chị vuốt lên ngực anh để trần.

– Nghĩ mà ngao ngán cho đời, không ngủ được.

– Quên mọi chuyện đi anh. Nghĩ lắm cho già người.

– Quên sao được hở em. Mình dày công xây dựng Viện từ khi còn trứng nước, công lao và học vấn là thế, bỗng nhiên bị thằng mất dạy nó đá đít với lý do trẻ hoá cán bộ. Nếu phải giao quyền cho mấy cậu vừa tốt nghiệp tiến sĩ ở nước ngoài về đã đành một nhẽ, đằng này…

– Quan nhất thời, dân vạn đại mà anh. Xưa nay có triều vua nào ngự trị bền mãi đâu anh.

– Em lại sắp lên cơn bệnh nghề nghiệp, bà phó tiến sĩ sử học của anh ạ! Hôm nay anh hết hứng thú nghe em kể chuyện xưa, tích cũ rồi. Bụng anh đang rối bời, chán phè. Ước gì anh hoá rồng lúc này, bay tít lên cao nhìn rõ mọi cuộc đấu đá, tranh giành ở khắp thế gian.

– Vậy chúng mình buông màn đi nghỉ. Nằm trên giường em sẽ kể chuyện rồng cho anh nghe.

Chị dìu anh đứng dậy, đi về phía giường, nhẹ nhàng đặt đầu anh xuống gối và tháo dép cho anh. Lòng chị lâng lâng sung sướng khi thấy vầng trán anh bớt nhăn, khoé mắt anh sáng lên nụ cười hiếm hoi. Chiếc màn tuyn xanh mát buông xuống, thoảng bay mùi nước hoa chị vừa kín đáo phun nhẹ bốn góc màn để xua muỗi. Trần Thăng xoay người nhìn sâu vào mắt vợ. Anh vuốt nhẹ mấy sợi tóc mai, mỉm cuời, nháy mắt hỏi yêu:

– Chuyện rồng của em thế nào? Ở bên Tây người ta xem rồng là ma. Vợ anh đừng kể chuyện gì về rồng làm anh sợ ma mất ngủ là bắt đền đấy.

– Sao đêm nay anh bỗng thành con nít sợ ma thế?

– Thì chuyện bầu viện trưởng ở chỗ anh cũng là ma hiện đại còn gì.

– Nói cho cùng trên đời làm gì có rồng – Chị lựa lời.

– Em nói đúng. Nếu cắt bỏ cái đầu rồng có bờm như sư tử đi thì nó có khác gì con rắn, con rết hay con giun đất, em nhỉ!

– Bởi vì rồng không có thật nên mới linh thiêng. Lúc đầu nó tượng trưng cho sức mạnh huyền bí của thiên nhiên có thể hô gió, gọi mưa. Lâu dần nó được con người huyền hoặc, gắn nó tượng trưng cho vương quyền và sức mạnh của vua chúa.

– Đời thật thú vị! Cứ cái gì hư thực, thực hư bỗng thành thiêng liêng, uy quyền trùm khắp thiên hạ.

– Chẳng có gì là uy quyền tuyệt đối anh ạ! Em nghiên cứu rồng qua các triều vua, thấy thế rồng cũng biến đổi theo thời cuộc, theo quyền uy và điểm yếu của các ông vua. Triều Lý, vương quyền còn đang manh nha, chưa với tới được các bộ tộc, bản làng ở rừng núi xa xôi. Người ta phải mượn tích Âu Cơ có trăm trứng để nhắc nhở các tộc trưởng miền núi thần phục vương triều. Vậy nên thế rồng thời Lý có thân cuộn lại thành khúc tròn và trong mỗi khúc cuộn ấy chứa biểu tượng một quả trứng rồng, theo tích Lạc Long và Âu Cơ. Sang đến thời nhà Lê, nhất là triều vua Lê Thánh Tông, vương quyền được củng cố, vươn ra thâu tóm các bộ tộc xa gần, lấn át cả vua nước Chàm và Ai Lao. Thế rồng thời Lê trở nên lượn sóng hình sin, rất tao nhã và thanh thản, hài hoà. Đến thời nhà Mạc, các nghệ nhân ngầm có ý ám chỉ vương quyền đang trong tay cha con một ông võ tướng tiếm ngôi, biến vị. Thế rồng thời nhà Mạc biến đổi một cách kỳ lạ. Lưng rồng không còn uốn éo hình sin như thời nhà Lê mà gồng lên như một cái yên ngựa. Nó khác nào con rồng thời Lê vừa bị đánh một côn trượng đau oằn lưng. Dưới triều nhà Nguyễn, văn hoá phương Tây tràn qua, tư tưởng và lối sống của con người trở nên phóng khoáng, không câu nệ, chấp nhặt theo các giáo lý các bậc hủ nho, nên các nghệ nhân điêu khắc sáng tác đủ các thế rồng không theo một khuôn mẫu nhất định nào. Cái lạ là rồng vẫn ra rồng, không thể lẫn với con vật nào khác. Một điều lạ nữa là có lẽ rồng thời Nguyễn biến đổi nay thế này mai thế khác nên đã ứng nghiệm, vào cuối triều Nguyễn vương quyền được thay như thay áo. Có ông lên ngôi được ba tháng, có ông được ba ngày…

Chị ngả đầu vào ngực anh. Trần Thăng nằm yên tận hưởng sự vuốt ve và nghe vợ kể chuyện rồng. Anh bỗng thấy thanh thản. Anh chạnh nhớ về miền quê Kinh Bắc. Nhớ cái làng nhỏ bên bờ đê sông Đuống nơi chôn nhau, cắt rốn và tuổi thơ anh thả diều, bắt bướm. Lòng anh nôn nao nhớ từng con đường gạch lát nghiêng, cây đa, bến nước, sân đình. Ôi! Cái ngôi đình nhỏ ở quê anh có tự bao giờ sao anh chẳng biết, chẳng bận tâm hỏi rõ ngọn ngành. Ở hai bên thành của bậc tam cấp bước lên thềm cao ngôi đình cổ ấy có hai con rồng đá, sao anh chẳng nhớ nó cuộn khúc ủ trứng rồng, hay lượn sóng hình sin, hay oằn lên như yên ngựa. Thăng nhớ thằng bạn nối khố có tên là Tươi mà suốt đời chỉ gặp chuyện buồn. Tươi ra trận, trở về với một chân và nhằng nhịt vết sẹo ở lưng, ở bụng. Giờ đây Tươi đang yên phận làm anh chăn vịt. Có lẽ bù lại Tươi được Thảo yêu, chờ đợi gần chục năm ròng. Họ đã có với nhau cả một nửa tá thị mẹt và đang sống nheo nhóc ở làng quê nghèo bán sơn, bán địa. Vậy mà sao những lúc vinh hiển, vào Nam ra Bắc, đi Tây đi Tàu, anh chẳng có chút bận tâm mua ít quà nhỏ cho sáu cô lọ lem của Tươi và Thảo… Thăng nhớ như in cô bé Thảo ngày nào. Nàng kém anh và Tươi chừng năm sáu tuổi. Khi hai đứa học cấp hai thì Thảo còn bé tí, suốt ngày cùng đám trẻ mẫu giáo trèo lên, trượt xuống trên lưng hai con rồng đá. Hợp tác xã hồi ấy biến ngôi đình cổ thành nhà trẻ, mẫu giáo. Trẻ con nhà quê thường lấm lem nhếch nhác, có khi cởi truồng đến lớp. Thăng và Tươi hay ra sân đình trêu Thảo: “Lêu lêu có đứa cởi truồng!” Phải đến khi Thảo khóc ré lên hay cô giáo ra quát mắng, hai đứa mới chịu rủ nhau ra ao tắm hay mò ốc vặn. Năm qua đi, tháng qua đi, thoắt cái Thăng đã trở thành chàng sinh viên khoá bảy trường Tổng hợp. Lần trở về làng, anh không dám tin ở mắt mình trước một cô Thảo mắt bồ câu lúng liếng, bộ ngực căng tròn, tấm thân thắt đáy lưng ong. Anh và Tươi cùng ngấm ngầm mê Thảo, cùng ganh đua để được Thảo yêu. Hoá ra anh chàng Tươi củ mỉ cù mì mà có duyên ngầm nên đã chiếm được trái tim nàng… Thăng nhắm mắt mơ màng thả hồn theo dòng hồi ức. Hoà bồi hồi nhìn chồng đang mỉm cười, nụ cười làm sáng cả đêm tối trăng. Chị khẽ lay anh:

– Mình! Mình buồn ngủ rồi à?

– Không, anh đang nhớ quê, nhớ bạn bè thủa ấu thơ, nhớ đôi rồng đá ở hai bậc tam cấp ngôi đình.

– Vậy thì mai chúng mình về quê, anh nhé!

– Thế thì hay quá, anh đang muốn vậy.

Họ ôm nhau, xoắn chặt vào nhau như đôi rồng phun nước. Hơi thở hai người làm ấm cả trời đêm mùa thu se lạnh, lác đác hạt sương rơi. Đêm cuối tháng chìm sâu, huyền bí, ẩn hiện những bóng rồng giữa bốn bề lặng im bao la trời đất và cả trong cõi nhân sinh muôn thủa những kiếp người.

Sáng. Hoà tỉnh dậy sớm. Chị sợ làm động giấc của anh sau nhiều đêm thao thức, dằn vặt. Chị khẽ khàng trườn qua người anh, trượt gót xuống nền nhà. Hoà đẩy cửa ra ban công hít thở không khí trong lành buổi sớm mai. Phía rạng đông bắt đầu hé sáng. Những mái nhà rêu mốc của khu phố cổ đang ửng dần những tia nắng màu hồng nhạt, lẫn pha sắc tím, chiết quang từ những hạt sương li ti. Nó bò dần theo các ống máng và chuyển sang màu đỏ. Từng vạt nắng lung linh lan trải trên hàng sấu và trên hè phố loáng thoáng rơi mấy quả sấu chín vàng vỏ đã nhăn nheo, báo mùa thu sắp hết. Hoà chợt giật mình nhận ra một mùa đông sắp về theo ngọn gió heo may trên các ngọn mía bên đê sông Đuống quê chồng. Đã nhiều năm bận rộn với công việc nghiên cứu, việc nhà lút cổ, Hoà không về quê. Những ngồng cải hoa vàng sau ngôi nhà ngói năm gian thân thương ở vùng quê Kinh Bắc như vẫy gọi chị về. Hoà thẫn thờ vơ vẩn hồi lâu rồi quay vào tủ lạnh, lấy quả bầu dục với hai gói mì xuống bếp. Chị ý tứ giấu một nửa trái bầu dục dưới đáy bát của anh. Nửa còn lại chị chia đều hai bát. Các con đã trưởng thành, đi xa. Ở nhà ăn miếng gì ngon chị cũng nhường anh. Chị khẽ mỉm cười vì nếu anh biết nhất định sẽ đòi vợ đổi bát và ép chị ăn bằng hết mới chịu đụng đũa. Hạnh phúc đơn sơ thầm kín này chị sẵn sàng đánh đổi mọi thứ quyền chức, giàu sang để được nó. Thăng đã nghe thấy tiếng lục đục dưới bếp và tỉnh dậy. Anh khăng khăng giành lấy chậu quần áo từ tay chị mang lên sân thượng phơi. Hai người thủng thẳng ăn hết bát mì. Chị tất tưởi đi chuẩn bị hành lý về quê, còn anh ngồi uống cà phê vợ đã pha sẵn. Thăng không quên nhắc vợ gói ít kẹo và mấy mảnh vải hoa mang về cho mấy đứa cháu ngoại của Tươi và Thảo.

Xe bon bon trên con đường nhựa rộng rênh, phẳng lì. Hai bên đường những thửa ruộng vừa gặt còn trơ lại gốc rạ nâu đen. Những chú chim gáy đi ăn sớm đang tha thẩn tìm hạt lúa sót trên các đường cày lật đất nổi gợn lên giữa cánh đồng, nhìn từ xa nom giống như vồng ngực của người thiếu nữ tuổi dậy thì. Xe đưa Thăng rẽ lên bờ đê sông Đuống vàng rực nắng, lồng lộng gió. Lòng anh phơi phới niềm vui. Con đường càng ngắn lại, tình yêu quê càng bùng cháy, thiêu đốt mọi nỗi ưu tư, phiền muộn. Câu chuyện về những con rồng qua các triều vua Hoà kể đêm qua khiến Thăng thao thiết mong gặp lại ngôi đình cổ với đôi rồng đá tuổi thơ. Vừa đến đầu làng, anh cho xe lượn thẳng vào sân đình. Hoà nắm tay chồng cùng hớn hở chạy lại quỳ bên con rồng đá. Thăng vỗ tay vào lưng vợ reo lên thích thú:

– Mình ơi! Nó uốn lượn mềm mại, bay bướm, uyển chuyển hình sin. Đúng là rồng đời Lê rồi.

– Vâng. Đình làng mình có từ đời Lê. Em cũng không ngờ quê nội các con có ngôi đình cổ đến như vậy. Mọi lần về quê đều sấp ngửa, vội vàng em chưa ra sân đình lần nào.

– Anh nghĩ, rất có thể nó sẽ góp thêm tư liệu cho công trình nghiên cứu của em cũng nên.
Hòa nhoài người bò lên thân con rồng đá. Chị áp sát cặp kính cận dày cộp vào từng nét chạm sâu, từng đường uốn lượn của các hoạ tiết trên mặt, lưng và bụng rồng. Hồi lâu chị ngẩng lên nhìn Thăng, say sưa giải thích cho anh ý nghĩa từng hoạ tiết. Thăng nghe vợ như uống từng lời. Anh bồi hôi xúc động, thầm cảm phục Hoà. Cuộc sống quanh anh có bao cái đẹp, cái quý giá mà anh hờ hững hoặc chưa chịu khám phá, cảm nhận được nó. Anh nghĩ vậy và cảm thấy yêu đời hơn, gắn bó với làng quê nghèo khó, với những con người quanh năm lam lũ mà rất hồn nhiên, không màng danh lợi, không bon chen đấu đá, tranh cướp quyền lực. Chợt anh nhìn thấy bóng Tươi chống nạng phăm phăm đi tới, sau lưng Tươi là Thảo và mấy đứa trẻ nhỏ trong làng.

– Thăng về đấy phỏng? – Tươi hỏi như quát.

– Sao biết vợ chồng mình về mà ra đón?

– Đón điếc cóc khô gì. Mình nghe trẻ con trong làng kháo nhau có hai ông bà lịch sự ngoài Hà Nội, mỗi người đeo hai đít chai dày cộp, đang ở ngoài sân đình xem con rồng đá nên đoán ngay ra vợ chồng ông thôi mà. Ngọn gió lành nào đưa ông bà về quê đấy, hử?

– Nhớ thì về chứ gió lành, gió dữ gì…

Thăng đẩy nhẹ vợ về phía Thảo. Hai người đàn bà thẽ thọt chào nhau, làm thân rất nhanh và rủ rỉ tâm sự. Tươi vẫn nói oang oang như sân đình chỉ có anh và Thăng:

– Ông là chúa tệ, làm quan rồi, giàu sang rồi chẳng thèm ngó ngàng hỏi đến bạn bè.

– Bận tối mũi tối mắt, ông và các bạn bè ở quê tha cho mình.

– Bận… Bận… Bận cái nỗi gì? Có mà bận đỡ đòn giữ ghế. Cái tạng ông thật thà như đếm, chống đỡ làm sao cho được bọn tiểu nhân mẹo vặt đầy người. Bị chúng nó cho lộn tùng phèo rồi phỏng?

– Thế ra ông biết hết mọi chuyện? –Thăng ngỡ ngàng hỏi lại.

– Đừng khinh thằng bạn lính què, chăn vịt ở xó quê nhá. Chuyện to chuỵên nhỏ của bạn bè ngoài Hà Nội cũng không lọt qua lỗ tai, con mắt của mình. Mà thôi, vứt quách ba cái chuyện ấy cho nó nhẹ lòng. Ông và Hoà từ nãy ngắm nghía con rồng đá đố biết có gì hay không?… Đám trí thức thị thành các vị không rành rõ chuyện này bằng cánh nhà quê ấm ớ như mình đâu. Này nhé! Các con rồng thiêng ở đâu mình không biết, chỉ thấy nó dù làm bằng gỗ, bằng đồng, bằng đá, hay bằng vàng đi nữa mà đặt xa cách với con người là vứt! Nếu nó không mốc meo, mối mọt thì cũng nhện chăng, bụi bám…Cứ như con rồng đá đình làng ta lại hoá hay. Bao nhiêu thế hệ mẫu giáo từ lớp mụ Thảo nhà mình đến bây giờ là lớp con cháu đã nối tiếp nhau, áo quần nhếch nhác, có khi tồng ngồng leo lên tụt xuống, dí chim,chịn bướm nên cái lưng rồng mời nhẵn bóng, sáng loáng. Chỉ cần nhìn xuống chân, xuống bụng con rồng đá khắc thấy chỗ nào các thằng cu, con hĩm ít chạm tới là rêu mốc đã bám ngay rồi… Ha ha!…

Tươi nói say sưa, giọng choang choang như chuông không cần e dè, kiêng nể. Có lúc cao hứng, anh gõ chiếc nạng cạch cạch xuống sân đình. Hoà liếc nhìn sang chồng. Chị mừng vì chưa thấy bao giờ anh hồn nhiên, vui vẻ như vậy. Cái chất nhà quê thật thà, nói nhanh, nói to của Tươi như lây sang người Thăng. Họ vung tay, múa chân, nói cười ngả ngớn, tự do. Cái tự do không dễ tìm được ở các hội nghị trang nghiêm giả tạo, nói lời vay mượn mà Thăng và chị vẫn từng miễn cưỡng tham dự đã nhiều năm. Nó giá trị chẳng bằng nửa lời của Tươi vừa nói về rồng chăng?… Chị xúc động ngả đầu vào vai Thảo ngắm nhìn hai người đàn ông thao thao bất tận những câu chuyện mà họ dành cất trong kho kỷ niệm từ thời tám hoánh. Nắng trưa đã lên tròn bóng. Mặt nước ao đình lăn tăn gợn sóng theo nhịp khoả chân của các cô thôn nữ đi làm đồng về. Lòng Hòa thầm reo: Ôi quê hương, con cám ơn Người! Nếu biết thế này, con đã đưa Thăng về với Người từ hôm đầu xảy ra câu chuyện bầu bán ở Viện của anh…

Tìm cha trong gương

Truyện ngắn

Lê Mai

Trong căn nhà nhỏ nằm chơ vơ giữa lưng đồi heo hút vẳng lên tiếng nói của Vân thều thào, yếu ớt:

– Cả đời tao chỉ có một mong ước, mong ước cháy lòng… Trước khi nhắm mắt biết mình cũng có người hương khói để chấm dứt chuỗi ngày cô đơn, lạnh buốt  trên cõi đời này. Nhưng giờ thì tao đã biết, mình bất lực rồi… Chẳng lẽ chết rồi, tao vẫn phải cô đơn, lạnh lẽo như thế này ư?…

– Mày đã tìm bé Hồng ở những đâu? – Yến rưng rưng hỏi bạn.

– Tìm khắp Việt Nam. Cứ nơi nào có xã Tiến Bộ là tìm đến. Nhưng địa chỉ nó ghi sai… Có mà mò kim dưới đáy biển.

– Mày đã hỏi ông Dũng chưa?

– Tin gì cái ngữ ấy, hỏi cho phí công.

– Thôi được, để tao đi hỏi cho. Trước là thủ trưởng nó khác. Giờ ông ấy về hưu rồi, là dân rồi, hoàn lương rồi nó khác chứ.

– Thôi thì… tùy mày.

*          *

*

Trước mặt Yến là một tòa biệt thự xinh xắn, đẹp đẽ. Tường rào, cổng vào và khu vườn ngập tràn cây cảnh chứng tỏ chủ nhân ngôi nhà là con người lịch lãm, có học vấn cao. Yến rụt rè bấm chuông. Phút tĩnh lặng trôi qua. Người đàn ông béo trắng trong bộ đồ pyjama nhanh nhẹn ra mở cổng. Bỗng ông bất ngờ reo:

– Yến! Yến! Cơn gió nào cuốn em đến đây thế này? Vào đi! Vào nhà đi! Quý hóa quá! Quý hóa quá!

Thận trọng bước theo người đàn ông vào nhà, Yến hỏi:

– Nhà đi đâu hết, còn mỗi anh thôi à!

– Có ai đâu mà bảo đi đâu hết. Bà xã mình mất đã 6 năm. Thằng lớn lấy vợ và lập nghiệp ở Ôxtrâylia. Thằng nhỏ lấy vợ và mưu sinh ở Mỹ. Ở đây có mỗi mình… Anh em mình xa nhau dễ gần 30 năm rồi Yến nhỉ. Nghe nói, em bây giờ là giám đốc công ty gì lớn lắm phải không? Tiến bộ quá! Tiến bộ quá!

Cử chỉ, lời nói của người đàn ông trả lại cho Yến sự tự tin, dễ gần hàng ngày. Nhấp  ngụm nước chè thơm phức nóng giẫy xong, Yến nói:

– Tướng quân nói đúng, cơn gió mùa đông Bắc lạnh buốt cuốn em tới đây. Có việc quan trọng phải nhờ đến sự trợ giúp của anh, nghe xong anh sẽ rét, rét buốt, không hiểu anh có giúp cho không?

– Về hưu lâu rồi, tướng tá gì nữa đâu mà quan trọng với không quan trọng. Việc quân thì thôi. Việc dân có gì xin cứ nói. Giúp được đến đâu tôi sẽ cố hết mình.

– Chuyện cái Vân anh ạ!

– Chuyện Vân à. Tôi cũng linh cảm thế. Vân giờ sống thế nào?

– Nó khổ lắm, sau khi ra quân không hiểu sao chẳng chịu lấy chồng, dù có rất nhiều người đứng đắn, tử tế đặt vấn đề. Khi khỏe ở với vợ chồng cậu em, giúp đỡ cho vợ chồng nó. Khi biết mình mắc bệnh hiểm nghèo, sợ làm phiền lụy đến người khác, nó đùng đùng bỏ ra ở riêng. Một túp lều đơn côi giữa lưng đồi lộng gió. Cô đơn, heo hút… Giờ thì kiệt sức rồi. Tuần qua chúng em phải luân phiên nhau đến chăm nom nó… Sự sống chỉ còn tính theo ngày. Nó chỉ có mong ước duy nhất: trước khi mất được nhìn thấy mặt con, để biết mình cũng được như mọi người có kẻ chăm lo hương khói cho hồn khỏi bơ vơ, lạnh lẽo. Sống cô đơn, chết đơn độc thì khổ lắm anh nhỉ. Anh cho thằng Hồng đến với nó anh nhé.

– Sao các bạn biết tôi biết chỗ ở của cháu.

– Nói anh tha lỗi, chúng em không chỉ biết có vậy. Chúng em còn biết rõ: Hồng chính là con anh. Nhưng… lấy cớ để bảo vệ sự trong sạch của Đảng bộ, để giữ gìn sự nghiệp cho Vân, anh đã khôn khéo vận động mọi người động viên Vân, để nó phải cho con đi. Như vậy anh thực sự an toàn, hơn nữa trong con mắt của nhiều người anh còn là một thủ trưởng đầy nhân ái, thấu tình đạt lý. Tội của anh hồi làm thủ trưởng lớn lắm. Nhưng Vân, nó vẫn có sự thông cảm với anh. Nó nghĩ: Anh buộc phải làm vậy chỉ vì sợ, một nỗi sợ rất người. Một người có địa vị như anh, có tính cách như anh nếu không biết chỗ ở của cháu Hồng sao còn là anh nữa. Nó giục em đi tìm anh vì nghĩ: giờ về hưu, là dân chắc anh sẽ khác. Liệu có khác không anh?

– Khác, khác nhiều lắm. Trước đây mình cứ nghĩ: Địa vị, tiền tài, danh vọng là mục đích cao cả mà mọi kiếp người phải vươn tới. Nào ngờ… nó lại là trò đùa hiểm ác của tạo hóa. Hai thằng con được che chở, được trợ giúp của địa vị và tiền tài, giờ đây lại đang hết mình phấn đấu vì chúng, bỏ quên người cha đang cô đơn, mòn mỏi ở quê nhà. Thằng Hồng, từ bé tới giờ không được sự chở che, giúp đỡ của địa vị, tiền tài thì hoang dại và thiệt thòi quá. Giờ bạn biết nó làm gì không? Nó là thằng chăn vịt. Thật đau lòng. Đúng là: không tiền, không địa vị thì khốn khổ. Lắm tiền, địa vị cao thì khốn nạn. Trở về cuộc sống thường dân, trở về với thiên nhiên tôi mới ngộ ra điều: cái gì mình cố giữ thì đều mất, cái gì mình cho đi thì lại còn. Giờ đây tôi chỉ còn thằng Hồng nhưng…

*          *

*

Hai chiếc Dream phóng như bay như lướt trên đường. Vẫn con đường quen thuộc ấy nhưng sao hôm nay ông Dũng thấy lòng hồi hộp thế. Mọi lần ông chỉ dám cho xe chạy từ từ qua căn nhà cấp bốn Hồng ở là liếc vào để ngẩn ngơ. Lần này thì khác… ông sẽ bước vào nhà, sẽ trực tiếp chuyện trò với nó… Chỉ nghĩ thế thôi, lòng ông đã rối bời buồn vui lẫn lộn. Đến gần cổng làng, ông Dũng cho xe chạy thật chậm rồi chỉ tay ra một đầm nước nằm chếch sau làng, nói:

– Thỉnh thoảng thằng Hồng vẫn lùa đàn vịt của nó ra đó.

– Nó có biết anh không?

– Biết sao được. Anh vờ là người đi câu và thường ngồi dưới gốc vối kia ngắm nó.

Nói xong ông rồ xe chạy thẳng vào làng. Qua vài lần ngoặt trái ngoặt phải, ông Dũng dừng xe trước ngôi nhà ngói đỏ 3 gian, tường rào râm bụt và gọi:

– Có ai ở nhà không? – Giọng ông run run.

Có tiếng người đàn bà trong nhà vóng ra:

– Ai đới. Cổng mở đới. Cứ vào.

Dứt lời, người đàn bà trong nhà te te chạy ra mở cổng và hỏi:

– Ông bà hỏi ai?

Nhìn người đàn bà gầy guộc, lếch thếch, mắt mũi lèm nhèm, mặt mày dăn dúm, ông Dũng rơm rớm nước mắt với ý nghĩ: chị ấy cũng trạc tuổi mình mà sao chóng già, chóng cũ thế! Ông nói:

– Chị không nhận ra tôi sao?

Bà lão ngước cặp mắt lèm nhèm ngây ngây nhìn ông rồi bỗng reo lên:

– Thủ trưởng! Có phải thủ trưởng đới không?

Ông Dũng nhẹ cười, gật gật đầu xác nhận. Bà lão xởi lởi hẳn lên, nói như quát:

– Thủ trưởng và bà vào nhà xơi nước đi. Hồng ơi, có thủ trưởng và bà đây ở đơn vị mẹ mày lên chơi đây này.

Có tiếng chân huỳnh huỵch từ phía sau nhà… Tiếng bà lão:

– Dễ chừng cũng đến mấy chục năm rồi thủ trưởng nhẩy! À mà, thằng Hồng năm nay cũng gần ba mươi rồi. Đúng là bóng câu qua cửa sổ, thoắt cái đã gần ba mươi năm…

Hồng phủi qua áo quần rồi bước vào nhà. Yến giật mình nhìn Hồng. Đúng là, sao y bản chính, giống bố như lột. Rồi Yến chủ động nói:

– Thưa chị, mẹ đẻ cháu Hồng hiện nay lâm bệnh rất nặng, sự sống chỉ còn thoi thóp tính theo giờ. Một thân một mình thui thủi lúc lâm chung thì lạnh lẽo, thê thảm lắm. Chúng em mạnh dạn đến đây mong chị thông cảm cho cháu Hồng về thăm mẹ nó một lần, trước lúc mẹ nó đi xa…

Hồng cộc lốc cắt ngang lời Yến:

– Mẹ à! Cháu lại có một người mẹ nào nữa đây. Bác và cô nói xem, đây có phải là bố mẹ cháu không? Hồng vừa hỏi Yến vừa chỉ vào bà lão và bức ảnh ông lão đặt trên bàn thờ, rồi nói tiếp, giọng lạnh tanh:

– Đẻ con ra rồi, quẳng đi, có xứng là cha mẹ không? Đến con vật cũng không nỡ làm vậy, huống chi người.

– Hồng, không được hỗn – Bà lão cắt ngang lời Hồng rồi thủng thẳng nói tiếp – Có thương mày thì thủ trưởng với bà đây mới lần mò tới đây, không thì ai rỗi hơi. Công sinh thành to lắm con ạ. Không kém gì công dưỡng dục đâu. Thôi, vào buồng mà chuẩn bị các thứ để đi đi. Nghĩa tử là nghĩa tận.

Yến nói:

– Cháu Hồng nó không biết nên nói vậy. Nói chị tha lỗi, sau khi ra quân, mẹ cháu Hồng đã bỏ rất nhiều công sức và tiền của để đi tìm cháu nhưng… Địa chỉ chị cho sai cả thì làm sao mà tìm được.

– Sao mẹ lại làm thế? Hồng thảng thốt quay sang hỏi mẹ.

Bà lão vẫn thủng thẳng:

– Khổ! Tao biết đâu đấy! Thấy thủ trưởng đây dặn thế thì nói thế. Biết đầu cua tai nheo ra sao. Phải ông dặn tôi nói thế không, thủ trưởng nhẩy?

Hồng quay ngoắt về phía ông Dũng nói gay gắt:

– Sao ông lại làm vậy? Sao ông lại đang tâm lừa dối mẹ tôi? Đã dối trá đến thế còn mò đến đây giả nhân, giả nghĩa thật không thể hiểu nổi.

Thấy tình thế bất lợi Yến vội nói:

– Hồng! Bĩnh tĩnh lại cháu! Bình tĩnh nghe cô nói đây! Sự việc gì cũng có nguyên nhân của nó. Khi biết rõ nguyên nhân, ta mới có thể phán quyết đúng sai. Thời của các cô và mẹ cháu có những việc mới nghe qua tưởng như ngu ngơ, thậm chí như tàn nhẫn nhưng bình tâm, nghĩ kỹ, hiểu rõ nguyên nhân, có thể ta sẽ cảm thông, cảm thông đến đồng cảm. Dần dà rồi cô sẽ kể, kể hết cho cháu nghe về bố mẹ cháu. Cô tin, rồi cháu sẽ hiểu, sẽ thông cảm với họ. À mà, đến đó không biết chừng, cháu có thể gặp được cả bố đấy.

– Cháu chẳng hám! Một người chồng bỏ vợ, một người bố bỏ con có gì mà phải mong đợi…

*          *

*

Hai giờ chiều, hai chiếc xe máy từ từ leo lên sườn đồi bạt ngàn bạch đàn phía sau làng. Gió. Vi vút và hoang vắng. Hồng chạnh lòng nghĩ: Sao mẹ không ở trong làng, trong xóm cho vui lại lánh mình lên đây như ở ẩn? Gió. Vẫn vi vút gió. Trước mặt là một túp lều sơ sài, nhỏ bé. Xe vẫn đang từ từ đi, bỗng Yến kêu lên thảng thốt:

– Không kịp rồi!

Ba người dựng xe trước túp lều. Hồng đưa mắt nhìn quanh… Đơn côi… Heo hút… Lành lạnh. Một cây cau nhỏ xác xơ xòe vài tán lá úa vàng chơ vơ cạnh vại nước nhỏ. Nửa chậu sành nham nhở… Một chậu nhựa cũ… Và vài búi cỏ phạc phờ. Tiếng Yến:

– Hồng, cháu vào thắp cho mẹ nén nhang rồi ta ra nghĩa địa làng. Tấm ảnh trên ban thờ mẹ chụp hồi nhập ngũ đấy.

Hồng khom người bước vào ngôi nhà đầy mùi ẩm mốc. Anh run run cắm mấy nén nhang vì đăm đắm ngắm nhìn ảnh mẹ. Mẹ thật đẹp, những nét dịu dàng nhân hậu ngập tràn trên khuôn mặt trái xoan mịn màng, thanh thoát. Hình như từ hai khóe mắt đang ứa ra những giọt nước mắt long lanh, trong vắt. Đôi mắt mẹ quá buồn, có cái gì như mang mang vô định.

Hồng nhìn quanh nhà: chiếc chõng tre ọp ẹp, tấm chăn chiên cũ rích, chếc màn xô ngả màu, các hòm gỗ sơn đỏ và vài cái xoong nhôm nho nhỏ…

Gia sản của một đời người còn lại là thế này đây – Hồng nghĩ và rưng rưng nước mắt. Lại tiếng Yến:

– Hồng ơi, vái mẹ đi rồi ra nghĩa trang làng.

*          *

*

Hồng lểu thểu đi sau Yến đến nghĩa địa làng. Chiếu mới chớm vàng nên nắng còn gay gắt. Cánh đồng lúa mênh mông xanh rờn tiếng gió. Nghĩa địa làng mẹ đẹp quá. Nhiều ngôi mộ được xây rất kiểu cách với những vật liệu đắt tiền, với những sắc màu lòe loẹt. Tất cả cố khoe bầy sự làm ăn khấm khá, lòng hiếu thảo của con cháu người làng. Đứng trước mộ mẹ, lòng Hồng càng cay đắng, xót xa. Mẹ ơi, sao mẹ khổ thế: sống nghèo khó cô đơn nhất làng, chết cũng cô đơn, xơ xác nhất làng. Tiếng Yến nói trong nước mắt:

– Vân ơi! Sao mày đi vội thế! Không cố nán lại một chút để tận mắt thấy những người thân yêu nhất của mày đang quây quần quanh mày đây. Từ giờ mày không còn phải buồn sống không người thân, chết không người hương khói. Ở cõi âm mày không còn phải cô đơn, lang thang vơ vẩn chờ ngày xá tội vong nhân. Mày sống khôn chết thiêng, nếu biết, nếu vui thì hãy hiển linh báo cho tao và những người thân yêu nhất của mày biết, Vân nhé.

Yến vừa ngừng lời, bát nhang trên ngôi mộ bùng cháy. Ngọn lửa lóa vàng phần phật như reo vui, như vẫy gọi. Ông Dũng khẽ rùng mình. Tiếng Yến lại như rơi từ không trung:

– Anh Dũng và Hồng thấy chưa, Vân nó biết đấy, nó đang rất vui. Có lẽ đây là ngày vui nhất trong đời của mẹ cháu đấy Hồng ạ. Mẹ cháu vốn rụt rè, cả thẹn mà cháu xem, lửa bùng phần phật, lửa cháy hừng hực. Mẹ cháu hồi trẻ xinh đẹp, dịu dàng, chăm chỉ nhất làng. Cháu có quyền tự hào về mẹ. Bố cháu là một vị chỉ huy có tài, đẹp trai, học cao biết rộng. Họ ở cùng đơn vị với nhau rồi yêu nhau, có thai.

– Sao họ không cưới nhau? – Hồng hỏi.

– Cưới sao được. Lúc đó bố cháu đã có vợ ở quê. Người vợ của tệ tảo hôn ấy mà.

– Bố cháu là chỉ huy đơn vị, to thế, ai dám buộc họ phải cho con được.

– Chẳng ai bắt buộc ngoài tính hám danh, hám lợi của bố cháu…

– Mẹ cháu có biết việc làm của ông không?

– Lúc đầu thì không nhưng đến khi mẹ cháu dốc lòng đi tìm cháu, càng tìm càng biệt vô âm tín thì… biết.

– Chẳng lẽ bố cháu lại là người đê tiện đến thế ư?

– Ở thời mẹ cháu và các cô, ngoại tình là một tội nặng, chỉ xếp sau tội phản quốc. Vì nó người ta có thể mất sự nghiệp, thân bại danh liệt… nên chưa ai nỡ xếp bố cháu vào hàng đê tiện. Họ chỉ chê ông là kẻ tham lam ích kỷ. Mẹ cháu ốm sắp mất, đồng đội cũ cử cô đi tìm cháu là để thỏa lòng mong ước của mẹ… Không ai nghĩ tới việc tìm bố cháu đâu. Nhưng… vừa qua cô gặp bố cháu lại thấy thương . Ông ấy hiện nay có lẽ sống còn cô đơn hơn mẹ cháu. Địa vị cũ, quan niệm cũ đã đẩy cuộc sống của ông lâm vào tình trạng sống không có người thân, không có bạn bè, làng xóm. Nói dại, nếu ông có mệnh hệ gì thì cũng không ai biết, nói gì đến chuyện hương khói sau này. Nhưng cháu đừng quá buồn, vì hình như từ ngày không còn bị ràng buộc bởi chức tước, tiền tài, bố cháu sống tốt lên rất nhiều.

– Cô đoán, liệu bố cháu có đến đưa tang mẹ cháu không?

– Đến! Đến chứ!

– Giá cô cháu mình đến kịp thì…

– Ông ấy ở ngay đây thôi. Giờ cô đưa cháu đến gặp. Bố con có nhận nhau hay không thì tùy cháu.

*        *

*

Chiều đã vàng, ba người rảo bước theo Yến về làng. Làng mẹ đẹp quá! Cổng làng cũng đẹp! Đình làng cũng đẹp! Ấn tượng của một làng quê trù phú hằn lên tâm thức, khơi dậy trong Hồng nỗi niềm bùi ngùi chua xót. Đầu óc Hồng ngổn ngang ý nghĩ: Ông ấy là người thế nào? Chắc cũng béo tốt như bác Dũng vì họ cũng là thủ trưởng cơ mà. Nhưng liệu ông có hiền hiền ít nói như bác Dũng không hay lại thao thao bất tuyệt? Gặp mình ông sẽ vui mừng vồ vập hay thờ ơ lãnh đạm?… Kiểu gì mình cũng chỉ nên dửng dưng, thờ ơ để ông hiểu rõ thái độ của mình, không chỉ là của mình mà còn cả thái độ của mẹ… Ba người dừng chân trước ngôi nhà hai tầng nhỏ nhắn, xinh xắn có cổng sắt, tường rào. Hồng hồi hộp hỏi:

– Nhà ai mà đẹp thế cô?

Yến vui vẻ nói:

– Nhà cô đấy. Chúng mình vào đi.

Nhà vắng lặng, không một bóng người. Nhấp chưa xong chén nước chè đặc sánh, nóng rẫy, Hồng bồn chồn nói:

– Vào thăm cô thế này là được rồi. Giờ trời đã tối, cô cho phép cháu được về nhà, còn việc gặp ông ấy để dịp khác, cô nhỉ.

Yến nháy mắt cười với ông Dũng rồi nhẹ nhàng nói:

– Thế cũng được. Nhưng trước khi về, em muốn khoe với anh và cháu một báu vật…

– Báu vật gì mà gớm thế! – Ông Dũng cố đùa trong trạng thái băn khoăn.

– Khắc đi thì khắc biết – Yến tủng tẳng.

Ông Dũng và Hồng miễn cưỡng đi theo Yến. Họ dừng chân trước một tấm gương lớn trong phòng ngủ. Hồng và ông Dũng đưa mắt nhìn nhau, ngơ ngác. Yến nói:

– Đây là một chiếc gương Nhật. Anh Dũng giúp em nói cho Hồng rõ đặc tính quý hiếm của chiếc gương. Còn Hồng, cháu cứ nhìn kỹ vào gương, cháu sẽ phát hiện ra bất ngờ lớn nhất trong đời cháu.

Dứt lời, Yến đi nhanh ra khỏi phòng và ý tứ khép chặt cửa. Nhưng chị không đi tiếp mà dừng lại, tập trung sức nghe dõi theo những biến động trong phòng. Những giây phút tĩnh lặng hồi hộp, chậm chạp trôi… Bỗng trong phòng òa lên những tiếng nấc. Những tiếng nấc của đàn ông nghe đau đớn, xót xa đến rợn người. Yến lập cập bước vội ra sân, vừa bước miệng vừa lập bập: “Nức nở là tốt rồi… nức nở là tốt rồi…!” Đêm ở làng tĩnh lặng đến hoang sơ… Những làn gió dịu dàng mơ hồ thổi… Những vòm cây khẽ rủ rỉ, xạc xào…

Cho nó có đạo đức

Truyện ngắn

Lê Mai

Tôi goá vợ đã lâu chưa tục huyền. Bè bạn người quý mến thì nói: nó đợi con trưởng thành, hoặc, vợ yêu nó quá chưa cho lấy, muốn lấy được vợ phải cắt tiền duyên. Bè bạn người ghét thì nói:… Thôi dại gì vạch áo cho người xem lưng. Còn tôi biết, tôi chẳng được tốt như người đời nghĩ đâu. Hơn mười năm qua, nếu tính bình quân mỗi năm được 2 vụ mối lái thì đến nay đã là 23 vụ rưỡi, chẳng vụ nào thành công. Nguyên nhân có nhiều, nhưng chung quy lại thì do người thích tôi thì tôi không thích, người tôi thích thì lại có chồng.

Hôm nay, tôi đến thăm anh. Anh là tổng biên tập một tờ báo lớn. Anh là người có tiếng hào hoa và là người chơi với cô nào thì xui ngay cô ấy ngoại tình, với lập luận thật dễ hiểu: “Chơi với bọn con gái các em mà không ngoại tình thì chơi làm đếch gì cho phí thời gian, cho rách việc!”

Hôm nay, thời tiết vẫn như mọi hôm, ẩm ẩm ương ương, nóng không ra nóng, lạnh không ra lạnh. Vẫn chân thành và cởi mở,  anh hỏi tôi:

– Hỏi thật nhé, tổng vơ vét mỗi tháng chú được bao nhiêu tiền?

Anh hỏi thật thì tôi nói thật:

– Tổng thu nhập mỗi tháng của em khoảng một triệu.

– Thế thì chú mày không lấy được vợ đâu! Phụ nữ họ lấy chồng cốt tìm một chỗ dựa. Dựa vào cái cột mục để mà chết à. Như anh đây, nguyên tiền đóng thuế thu nhập hàng tháng còn cao hơn tổng thu nhập của chú nên mới có một vợ và hai mươi bồ. Anh mà thu nhập như chú thì gia đình tan vỡ từ lâu rồi. Chú đừng viển vông nữa, lao vào làm kinh tế đi. Vật chất quyết định tinh thần. Khi nào thu nhập hàng tháng của chú đạt mức trên năm triệu đồng thì, chú lên đây, anh sẽ pa-xê cho chú cô bồ của anh. Cô này nhà năm tầng, có tiền tỉ trong tay.

Hình như anh có lý, nhưng…

Tôi đến thăm anh bạn thứ hai. Anh này có tuổi và thu nhập tương đương tôi. Anh là kỹ sư cơ điện, bị vợ bỏ hay bỏ vợ tôi không rõ nhưng… hiện nay đã có vợ mới. Anh hơn cô vợ mới chưa đến 25 tuổi. Bạn bè thật thật giả giả tán, nếu cô ấy biết cách, tuần rằm mùng một nào cũng chăm chỉ hương khói thành tâm cầu khấn, lòng thành thấu tận trời xanh thì chỉ sáu  tháng làm gì mà “cụ” chẳng đi. Cụ đi, với số tài sản cụ để lại, vợ cụ làm gì chẳng dễ tái giá. Tái giá với tái dê hẳn hoi chứ chứ chẳng phải… Như nhà hiền triết thực thụ, bạn tôi nói:

–  Thời đại tinh vi vi tính này mà ông còn lạc hậu quá, mai mai mối mối, tìm tìm hiểu hiểu, mất hết thì giờ! Thời đại Ba Đẻn qua rồi, thời gian đâu mà rẽ rẽ dắt dắt. Tình yêu tình dục thời cơ chế thị trường, “tình yêu thời thổ tả” phải công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Lập trình đi: mỗi tháng tổng thu nhập là một triệu, không lấy vợ, tháng làm vài lần karaoke đến tiền ăn còn hẻo, nói gì đến ái tình phí mà đòi tán tỉnh. Không tiền, có tán sún răng cũng chẳng được ma nào. Nháy chuột, được ngay phương án: ra nhà hàng đón một em có con riêng lại sắp hết đát về, thế là, có người trông nhà, có người cơm nước giặt giũ, cơm no, bò muốn cưỡi lúc nào thì cưỡi, sướng chưa? Có học có hơn chứ. Ông thấy tính thế khoa học chưa?

– Khoa học thế sao ông không cưới cô ấy đi? Để mặc cảnh già nhân ngãi, non vợ chồng ổn định sao được?

– Ông hiểu gì về gia đình mà nói ổn định với không ổn định? Gia đình là dựa vào nhau mà sống hay là ràng buộc nhau? Ông bảo cưới nhau cho ổn định, nhỡ cưới xong, hợp lý hoá rồi, hợp pháp hoá rồi, mình đi làm cả ngày nó ngựa quen đường cũ rước trai về nhà tăng thêm thu nhập thì lúc ấy ông tính sao? Cơ chế thị trường việc gì hiệu quả thì làm, không hiệu quả thì cắt. Ông thấy các nước tiên tiến họ có quan niệm gia đình như mình không? Thích thì ở với nhau, không thích thì phắn, anh đi đường anh, tôi đi đường tôi, làm gì có tam đại với tứ đại đồng đường. Họ lạc hậu chắc? Không loằng ngoằng, nếu ông thích mô hình gia đình kiểu như tôi, tôi sẽ giúp. Nhà hàng bây giờ thiếu gì gái trẻ đẹp. Cứ gọi là sắp hết đát nhưng tuổi các cô ấy làm gì tới 30, còn trẻ còn đẹp chán. Thích gái Bắc Ninh có gái Bắc Ninh, thích gái Cần Thơ có gái Cần Thơ, hay ông thích chè Thái gái Tuyên cũng có tuốt.

Hình như anh có lý, nhưng…

Tôi đến thăm anh bạn thứ ba. Anh là giám đốc một tổng công ty đang ăn nên làm ra. Thấy tôi đến anh vui lắm. Anh khép ngay cửa phòng làm việc và dặn dò cô thư ký:

– Không liên hệ với bất cứ ai. Kể cả ông đùng.

Nói xong anh còn cẩn thận cắt bốn máy điện thoại trên bàn và cả máy di động. Vừa cắt điện thoại anh vừa vui vẻ nói:

– Cái anh điện thoại nhiều khi cũng bất tiện. Cực nhất lúc đang ị mà chuông cứ reng reng, sốt cả ruột.

Rồi đột ngột anh nghiêm giọng hỏi tôi:

– Lấy vợ rồi hả? Cô ấy bao nhiêu tuổi? “Anh” có hơn bố “em” một tuổi không?

– Đã lấy đâu! Tìm khó quá!

– Đừng quan trọng hoá vấn đề! Thượng vàng hạ cám dùng được tất. Vợ trẻ có cái hay của trẻ. Vợ già có cái hay của già. Vợ xấu có cái hay của xấu. Vợ đẹp có cái hay của đẹp. Lấy đại đi rồi thiếu đâu bổ sung sau, hoàn chỉnh dần. Chuyện vợ nó như chuyện doanh nghiệp của tôi ấy mà: làm ăn được thì mở rộng quy mô, tuyển thêm người, tăng sản lượng; làm ăn khó khăn thì thu hẹp quy mô, sa thải bớt công nhân, giảm sản lượng.

– Nghe theo ông thì chỉ có nước đi ngoại tình.

– Ngoại tình chứ sao. Trên đời này có đứa đếch nào chung thuỷ mà chê ngoại tình. Thuỷ chung chỉ là một khái niệm để cuộc sống thêm mơ mộng, lãng mạn thôi. Tất cả là ở điều kiện. Điều kiện, ông hiểu không? Không có điều kiện thì chung thuỷ. Có điều kiện thì thôi. Ông thấy các cơ quan, công sở bây giờ ngoại tình sao nhiều thế! Đừng vội chê họ, tất cả nó nằm ở trong cái chữ điều kiện ấy. Ngay bản thân tôi, đứng đắn là thế mà có giữ nổi mình đâu. Các cụ dặn: khôn ba năm dại một giờ, mình nhớ như đinh đóng cột, thế mà khi có điều kiện tự nhiên quên tịt đi. Ông bảo, làm giám đốc như tôi tiền có, gái gú vây quanh, điều kiện thế có là công công cũng không giữ nổi trinh tiết, đừng nói là mình. Vấn đề là cứ lấy vợ đi, rồi muốn vợ chung thuỷ thì tìm cách cắt đứt mọi điều kiện để buộc nó phải thuỷ chung ông ạ.

– Rối rắm quá, có lẽ tôi không…

– Cứ lấy vợ. Lấy để giống mọi người. Lấy để không ai thương hại. Nhưng không được kỳ vọng vào nó.

– Làm thế nào để đừng kỳ vọng?

– Dễ ợt. Uống một viên kháng kỳ vọng là được. Như tôi hiện nay vừa có vợ vừa nuôi một em sinh viên làm thuốc kháng. Chán vợ thì sang em, như thế vừa đỡ tốn, vừa sạch sẽ, vừa an toàn, vừa nhân ái.

– Ông nói nhân ái?

– Nhân ái chứ sao. Em không có tiền ăn học, về quê làm ruộng hay làm điếm để có bằng? Được ta nuôi, em có tiền ăn học, có nơi ở riêng yên tĩnh để học hành. Khỏi phải lăn lóc thị trường, khỏi phải giao du với bọn du thủ du thực đầu trộm đuôi cướp… Ông bảo thế mình có nhân ái không? Ông có thích, tôi tìm cho một cô. Sinh viên đại học Xã hội Nhân văn, sinh viên Luật, Sư phạm… có tất. Ông ít tiền, mỗi tháng chỉ cần chi cho em khoảng dăm bảy trăm là đủ.

Hình như anh có lý, nhưng…

Tôi đến thăm anh bạn thứ tư. Anh là một nhà văn lớn hơn cỡ nhỡ nhỡ một chút. Trông thấy tôi, anh vừa cười ha hả vừa nói:

– Đến báo tin buồn hả? “Tôi lấy vợ” là “vơ lấy tội”.

– Có ai đâu mà cưới với xin.

– Thế thì may rồi. Bao nhiêu đứa thèm được vợ chết như ông mà có được đâu. Thành tâm cầu khẩn, khấn vái hàng năm mà hình như nó càng ngày càng khoẻ ra mới kinh, đúng là giời đánh thánh vật không chết. Ông đã gặp may thì cứ thế mà hưởng.

– Quan niệm như bố làm gì chẳng coi việc cưới xin là việc buồn.

– Ai chẳng thế, riêng gì tôi. Ngày cưới chính là ngày hai đứa tự nguyện ký đơn xin ly hôn đấy ông ạ.

– Có thuốc giải buồn đấy, ông có dùng không?

– Tuỵêt. Cho tôi uống đi.

– Thắng nó bảo tôi, mỗi tháng chịu khó bỏ ra năm bảy trăm nuôi lấy một em sinh viên, nó tìm mối cho, muốn sinh viên trường nào cũng có.

– Tuyệt! Tuyệt quá! Ngoại tình cũng có cái hay của nó. Trong vợ chồng, đứa nào ngoại tình đứa ấy dễ cảm thông và độ lượng. Mình làm trước đi, làm nhiều vào, nói dại nếu sau này vợ nó có nhỡ ngoại tình thì mình cũng dễ cảm thông, tha thứ. Thế gian được vợ hỏng chồng, vậy thì mình hỏng đi cho vợ được. Nhưng… nhưng tôi bói đâu ra tháng dăm bảy trăm, hay là… tôi với ông góp vốn nuôi chung một em, xong chưa?

– Xong! Nhưng mình chọn em học ở trường nào?

– Học ở trường nào cũng được, mỗi trường có cái hay riêng của nó. Nhưng tôi thích chọn em ở Sư phạm, cho nó có đạo đức.

– Đúng! Tuyệt đúng! Chọn Sư phạm cho nó có đạo đức!