Người Việt tự ngắm mình – Thể hiện nhiều, thực hiện kém

V.22. Thể hiện nhiều, thực hiện kém

Trước năm 1975, khi đất nước chưa thống nhất, ở phía Nam có lời một bài hát như sau:

“Bao nhiêu kiểu mới đưa sang
Việt Nam mà bắt chước
Còn hơn, hơn nước ngoài”.

Tại sao chúng ta lại hay bắt chước? Câu trả lời vẫn là: Chúng ta thiếu khả năng phát minh của lý trí, nên đành phải dùng trực cảm để bắt chước.

Vậy tại sao chúng ta thích thể hiện? Vì thể hiện là cách bày tỏ những thể thức bề ngoài, nó tương tự như cách nhìn người khác mà bắt chước nên chúng ta thường chuộng kiểu này. Đơn giản như các gánh hát hiện đại chẳng hạn, người phương Tây, làm gì đều có chức năng thực hiện từ trong xương tuỷ, họ la réo, hú, gầm khi hát để bộc lộ những cảm xúc của mình. Câu nào cần đau khổ thì ca sĩ phải cất cao giọng hát như muốn vỡ tim. Trái lại, người Việt thường quan niệm, ca nhạc là loại hình giải trí, nên chớ có hát mà đau đầu nên hát chùng thôi, thế là có biết bao gánh hát, tập hát những bài của Tây, nhưng lại hạ giọng chùng xuống. Than ôi, điệu bộ thì bắt chước người ta nhưng tâm hồn của người lên cao trào thì ta lại đòi thư giãn, thành ra nhảy múa thì loạn xạ vẻ hùng mạnh. Nhưng lời cất lên lại ẽo uột “nửa dơi nửa chuột”, nom đúng là cách “tâm hồn ăn cỗ trên chân tay”.

Hay như nạn đua xe máy chẳng hạn, ở Tây có những đua trường để người ta có thể thoả mái xưng hùng – xưng bá – “xưng mạo hiểm”. Đằng này ở ta, nhiều thanh niên lại diễn trò thao diễn ngay trên đường phố, làm khổ nhiều người.

Nhưng đề mục này đặc biệt có liên quan đến giới tri thức văn học nước nhà. Xứ ta thấy nghe nói làm thơ là “thiên sứ của lời”, thế là cũng đua nhau làm thơ. Nhưng than ôi kể từ thời Thơ Đường đến nay đã trên 1500 năm, người Trung Hoa cũng “bỏ xó” Thơ Đường lâu rồi, ở ta vẫn cứ hà hít là “hay lắm”. Nhưng họ đâu có quan niệm cái hay của nó nằm ở nghệ thuật, mà là ở chỗ nó chỉ có vài câu quá thích hợp với sự lười nhác bé bỏng của mình.

Đến khi, thế giới có chuyện ngắn mi-ni, thì cũng đua nhau viết, vì chuyện mi-ni rất hợp tạng với kẻ vừa yếu vừa lười. Đã thế còn đua nhau phát triển truyện ngắn không có cốt chuyện. Sao người ta không từng biết, triết gia Aristote, đã coi cốt chuyện (story) là yếu tố đầu tiên của văn chương, cũng như người Việt xưa nay đều quan niệm “có tích mới dịch nên trò”. Thực ra người ta thích truyện không cốt chuyện vì nó phù hợp với thể tạng tuỳ tiện, lười biếng của người ta.

Rồi chưa viết nổi tiểu thuyết, thấy thế giới nói “tiểu thuyết đã chết”, thế là ào ào nói theo: Tiểu thuyết đã chết! Rồi thấy thế giới bảo: “phản lý trí”, thì cũng đua nhau nói phản lý trí. Than ôi, chúng ta đã từng có nhiều lý tri đâu mà đòi phản nó. Như các nhà mỹ học nói: “Chỉ khi nào ta dứt áo rời khỏi nhà thì mới có lúc tận hưởng giờ phút trở về”. Thiếu lý trí, chỉ sống duy cảm, vậy mà nghe người khác nói “phản lý trí” thì cũng ùa theo nói: Lý trí đã chết, và:

Lý luận thì mầu xám
Cây đời mãi mãi xanh tươi.

Thực ra nhiều người nói thế, để khoả lấp, để xuê xoa, để nuốt chửng vấn đề người ta chưa từng sống lý trí. Triết gia Socrate cho rằng: “Không có một biến cố nào tai hại cho một con người cho bằng nó thù ghét lý luận”. Thù ghét lý luận là thù ghét cái cao nhất của nhận thức. Chính điều này cũng đã được thể hiện qua các sinh hoạt chính trị cao nhất của nước nhà rằng: Các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí, và các cơ quan ngôn luận, cần phải nêu cao, tăng cường hơn về lý luận.

Thấy người ta diễn kịch, mình cũng diễn kịch, thấy người ta đóng phim mình cũng đóng phim. Nhưng người ta đóng như thật, còn ta đóng phim sợ người xem khi xem không biết mình là diễn viêm, nên đóng phải “lộ đuôi” là đang diễn. Than ôi!

Thấy người ta, viết thơ, viết truyện ngắn, viết tiểu thuyết thì cũng bắt chước, nhưng than ôi, người ta thể hiện những nội dung sống trong tác phẩm của mình, còn ta ngoáy, bới, ám thị hết trò nọ đến trò kia. Mong được nổi tiếng như “diễn viên” nhà thơ, nhà văn.

Thấy người ta đỗ tiến sĩ ngành nọ ngành kia, ta cũng đua nhau làm bằng tiến sĩ. Làm tiến sĩ mà không viết nổi một tiểu luận về chuyên ngành mình nghiên cứu thì làm làm gì?

Thấy người ta làm lý luận, thì ta không chịu làm, vì chỉ quen “dễ làm khó bỏ”. Thêm nữa làm lý luận phê bình thì chỉ khen người này chê người khác, khen hay chê cũng chỉ cho người, như vậy lòng ích kỷ của ta không được mân mê nắn bóp nên không làm. Nhưng không làm, thì không phải kẻ khác được làm, mà phải bị ra sức chê bai đố kỵ: sao chẳng có ai chịu làm lý luận phê bình? Không có nước làm sao có cá? Mỗi cá nhân còn không trau dồi trong đầu lý trí cho phê bình, thì làm sao có thể nói chẳng có con cá voi phê bình nào bơi cả? Phê bình là gì? Là phán xét, là phân đẳng cấp, kẻ cao – người thấp. Nhưng tự thân cảm thấy mình thấp bé, cũng tất nhiên thôi vì con người không trau dồi lý trí làm sao lớn được, nên loại bỏ lý luận phê bình ra khỏi đời sống văn nghệ, để ù xọe, ai cũng như ai, “xấu đều còn hơn tốt lỏi”, cho dễ chui lủi, và dễ sống.

Ngay cả thất nghiệp cũng có nhiều trình độ thất nghiệp. Thất nghiệp ở những nước công nghệ cao, là những công nhân đã được đào tạo tay nghề, khi bị thất nghiệp có thể vẫn ngồi đợi ngoài dây chuyền sản xuất, thấy ai bị đau ốm thì có thể vào thay thế. Tóm lại, đó là những người có “nghiệp” mà tạm thời “thất”. Nhưng thất nghiệp ở xứ ta, hầu hết là những người chưa qua đào tạo, chưa biết làm gì, nên chưa có cả “nghiệp” để mà “thất”.

Đó là thất nghiệp bàn về nội dung cũng như hình thức, cũng là bàn cái thực hiện bên trong và cái thể hiện ra ngoài. Nhìn một người cầm cuốc trong lao động đơn giản ta khả dĩ thể hiện ngay giống như anh ta. Nhưng nhìn một người cầm vô lăng ô tô, thì sự thể hiện không hề đơn giản chút nào, không thể cứ cầm vô lăng xoay qua xoay lại, vớ vẩn chạm phải chìa khoá khởi động, xe lao đi, toi mạng như không. Cũng vậy nhìn người ta cầm bút, thể hiện cầm lấy ngay cũng dễ, nhưng để thực hiện viết văn, làm thơ, hay phát minh những công trình thì thiên khó vạn nan, người cầm bút phải chất chứa thiên kinh vạn quyển trong đầu. Thế vẫn chưa đủ, người Pháp nói: “Cái đầu biết hành động quý giá hơn cái đầu chỉ đầy ắp chữ” (Mieux vaut une tête bien faire qu’une tête bien pleine).

Sự thể hiện và thực hiện khác nhau như hoa nhựa và hoa thật. Hoa nhựa có mọi thứ như hoa thật có và giống hệt mẽ bề ngoài, chỉ tội không có sức sống ở bên trong và hoa thật có sức sống, có hạt mầm ở trong, nó có thể lên mầm một cây hoa mới lớn gấp tỷ lần, cây ấy lại tiếp tục ra hạt mãi mãi không ngừng. Vậy thì nhìn nhà văn, nhà thơ (Các nhà khoa học nữa), thì thấy dù nổi tiếng đến mấy cũng chỉ viết được vài chục truyện ngắn, mấy tập thơ mỏng đến mức con kiến nằm vắt ngang gáy bìa không đủ chỗ, hay viết được một cuốn tiểu thuyết “một lần vắt kiệt thành bã”, còn các cây bút trẻ thì hầu như không có ai có được bóng cây toả lan sau tuổi ba mươi, khiến mọi người phải nghĩ đây là những măng non chặt sớm đòi đóng nhãn xuất khẩu nên không lớn thành tre được, hay là hạt giống đem đồ thành xôi – làm oản để ăn ngay nên không thể gieo hạt, hoặc những bông hoa chưa kịp nở đã tàn… Như vậy đủ thấy các cây bút ở ta phần đông mới chỉ viết ở mức thể hiện, mà chưa đạt đến tầm “thực hiện”.

Viết văn phải thực hiện những gì? Tri thức sống! Khát vọng sống! Thực tại sống! Lý tưởng sống! Nhân cách sống! Phẩm chất sống! Nhưng các nhà văn xứ ta hầu hết mới chỉ bày tỏ một ít hiện thực sống và ao ước sống. Ao ước chưa phải là khát vọng! Mà mới giống người thuyền chài lười biếng thả lưới lại nằm ao nước có con chim rụng cánh xuống thuyền mình, thế là chỉ cần nướng lên ăn. Có không ít nhà thơ, viết được vài bài thơ ngắn trong tầm trang giấy, mà đã ước ao biết đâu lúc nào trúng số độc đắc, giải Nobel sẽ rơi vào giữa những vần thơ tinh lọc của mình. Hay có nhà văn, viết được một cuốn sách, mà hàng năm đến kỳ xét giải Nobel lại cùng bầu bạn uống rượu chờ đợi biết đâu đó ban giám khảo đã bỏ phiếu cho ta. Thật là hy vọng hão huyền. Các giải thưởng lớn không bao giờ người ta chỉ bỏ phiếu cách cầu may, mà người ta phải xét duyệt quá trình lao động nghệ thuật của nhà văn đó. Nhưng mới chỉ có một cuốn sách làm sao thấy được quá trình? Nhiều cây bút “thấp bé nhẹ cân” sở trường chơi đồ hàng thường biện hộ: “Hay cốt gì dài”.

Tại sao người ta không biết, không lớn sao thành đại dương. Người Việt vẫn nói “Vét nồi ba mươi cũng đầy niêu mốt” hay:

Sống lâu mới biết đêm dài
Ở lâu mới biết lòng người có nhân.

Trong một khoảnh khắc, trong vài vần thơ để làm một cú thăng hoa dễ lắm, nhưng mọi sự đồ sộ, vĩ đại ở đời đều được hình thành nhờ cấu trúc. Một phân tử ADN của sự sống thôi đã là một cấu trúc vô cùng phức tạp. Nhưng chớ có biện hộ, nhỏ như một phân tử còn sắp đặt kỳ diệu đó thôi, mà các phân tử ADN, sau khi đã tự sắp đặt mình, đã sắp đặt cả một vũ trụ sự sống bát ngát mênh mông.

Những điều lý giải trên không thể nói chơi. Mà là, chưa nói đến chúng ta chưa có những cây bút vĩ đại, chỉ cần đòi hỏi chúng ta có những cây bút chuyên nghiệp, nhà nghiên cứu chuyên nghiệp thôi, đã vô cùng khó rồi. Thậm chí là một sự kiện hi hữu đến mức gần như bất khả.

Người Việt nói: “Một nghề cho chín, hơn chín mười nghề”, hay “Sinh nghề tử nghiệp”, còn người Anh nói: “Đá lăn không lên rêu”. Sự nghiệp văn chương nghệ thuật hay khoa học là một sự nghiệp lớn giành cả đời hành hương chưa chắc đã đi trọn con đường của cá nhân vạch ra để tiệm cận cùng nhân loại, vậy mà lại không chuyên nghiệp, bạ chỗ nào tiện rẽ ngang chỗ đấy, vui đâu chầu đấy, thỉnh thoảng khi rỗi mới đi vào trục lộ của mình, thì sẽ thắng tiến được bao nhiều?

Bởi chính thế mà chúng ta mới chỉ có những nhà văn nghiệp dư, nhà thơ nghiệp dư, nhà khoa học nghiệp dư… Tất cả mới ở mức lo thể hiện cho giống người, mà chưa biết thực hiện để vận động chức năng đích thực cho cuộc đời sống thật.

Bình luận về bài viết này